Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Cơ hội giao thương 26/5/2018

Thứ hai - 28/05/2018 22:27
Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới với 56 triệu tấn/năm. Trong năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 275 nghìn tấn thịt lợn từ Mỹ với giá trị 488 triệu USD
Cơ hội giao thương 26/5/2018

Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm một loạt thủ tục đầu tư kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27/4/2018 phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực, trong đó có năng lượng, điện, quản lý cạnh tranh, tiêu chuẩn đo lường, xúc tiến thương mại, an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu...

Như vậy, đây là lần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh đầu tiên trong năm 2018 và được xem là “cuộc cách mạng lần thứ 3” trong lịch sử ngành Công Thương.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong vòng hai năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã thực sự chuyển động và cải cách mạnh mẽ theo đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là kiến tạo, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế. Bộ Công Thương đã đóng góp một phần đáng kể trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng được thực hiện từ tháng 1/2017 đến tháng 2/2018 được công bố mới đây cũng cho thấy hiện có Bộ Công Thương đạt yêu cầu theo nghị quyết Chính phủ, còn hầu hết các bộ ngành còn lại chưa đạt, chưa cắt giảm, số lượng cắt giảm quá ít và bị yêu cầu tiếp tục cắt giảm.

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng cho thấy liên quan đến việc rà soát cắt giảm danh mục sản phẩm hàng hoá, Bộ Công Thương được cho là đang đi đầu trong các bộ khi đáp ứng đúng và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ khi đã cắt giảm 402 danh mục trong tổng số 702 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Thực tế, thời gian qua, công tác cải cách hành chính nói nói chung, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính nói riêng luôn được Lãnh đạo Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Đợt cắt giảm đầu tiên được thực hiện vào tháng 12/2016 theo Quyết định số 4846 của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có 123 thủ tục hành chính được đơn giản hóa, bãi bỏ (gồm bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 thủ tục) trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi Bộ quản lý.

Tại thời điểm đó, giới chuyên gia cũng như dư luận cả nước đánh giá là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay. Thậm chí, nhiều ý kiến còn nhận xét rằng: Người đứng đầu ngành đang tự lấy đá ghè chân mình. Thế nhưng, vẫn chưa dừng lại ở đó, năm 2017, với Quyết định 3610a/QĐ-BCT, Bộ Công Thương tiếp tục đi đầu trong công cuộc đổi mới cải cách và đã thực hiện vượt mục tiêu đã đề ra khi cắt giảm và đơn giản hóa tới 183 thủ tục (trong đó cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 thủ tục) trong tổng số 451 thủ tục hiện có của Bộ tại thời điểm năm 2017.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cắt giảm, đơn giản hóa 55,5% điều kiện trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong 16 ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, theo Luật Đầu tư.

Hiện nay, theo quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư, Bộ Công Thương và ngành Công Thương ở các địa phương được phân công quản lý 28/243 lĩnh vực, ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, trong đó có khoảng 1216 điều kiện đầu tư, kinh doanh theo thống kê của VCCI, đồng thời thực hiện công tác kiểm soát đối với 451 thủ tục hành chính (trong đó thực hiện ở cấp trung ương là 296 thủ tục; cấp tỉnh là 142 thủ tục; cấp huyện là 13 thủ tục).

Doanh nghiệp hưởng lợi từ đợt cắt giảm lần 3

Theo quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, “cuộc cách mạng thủ tục, giấy phép con lần thứ 3” này sẽ có 54 thủ tục hành chính nằm trong diện bãi bỏ, đơn giản hóa. Trong đó, bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục đối với 10 lĩnh vực, tại 19 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 10 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định của Thủ tướng và 7 Nghị định.

Cụ thể, đối với lĩnh vực Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, điều chỉnh và bãi bỏ 9 thủ tục hành chính liên quan đến việc Xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại theo hình thức mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BTM-BTC. Cụ thể, Bộ Công Thương bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định về hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại; Mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mại có phát hành vé số dự thưởng; Thay thế Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật bằng Bản sao giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ cũng bãi bỏ quy định trách nhiệm chậm nhất 7 (bảy) ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại thương nhân gửi văn bản thông báo cho Sở Công Thương nơi thực hiện khuyến mại kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Công Thương. Thay vào đó, trách nhiệm thông báo này thuộc về Bộ Công Thương cung cấp cho Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mại nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý; Bãi bỏ quy định về việc thông báo yêu cầu thương nhân hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Đồng thời, cho phép thương nhân được lựa chọn một trong 3 cách thức đăng ký thực hiện khuyến mại bao gồm: Qua đường bưu điện, trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công trực tuyến (trước đây không có cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến).

Điểm đáng ghi nhận trong “cuộc cách mạng lần thứ 3 này”, lĩnh vực xúc tiến thương mại đã được giảm thời gian thực hiện từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc. Đối với quy định về việc thông báo thực hiện khuyến mại, thời hạn gửi thông báo đến Sở Công Thương được giảm từ 7 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại.

Các trường hợp khác như Xác nhận đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại ở nước ngoài; Xác nhận thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại ở nước ngoài và xác nhận đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại tại Việt Nam được rút ngắn thời gian từ 10 ngày làm việc xuống 7 ngày làm việc.

Đối với lĩnh vực An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương bãi bỏ, đơn giản hóa 8 thủ tục hành chính. Trong đó bãi bỏ quy định về tài liệu trong hồ sơ Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm như sau: Bản sao có xác nhận của cơ sở, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm theo quy định về việc Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm do Bộ Công Thương thực hiện và do Sở Công Thương thực hiện; Đồng thời bãi bỏ nội dung “diện tích nhà xưởng”, “hệ thống thông gió”, “hệ thống chiếu sáng’ tại Bản thuyết minh về cơ sở vật chất theo Mẫu 2a quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 58/2014/TT-BCT.

Còn đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về việc Cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế quy định tại Nghị định số 167/2016/NĐ-CP; Giảm thời hạn thực hiện từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc đối với hoạt động cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương quy định Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bãi bỏ Văn bản xác nhận của Bộ quản lý chuyên ngành. Việc xin ý kiến của Bộ chuyên ngành chuyển từ trách nhiệm của thương nhân sang trách nhiệm trao đổi ý kiến giữa các cơ quan Nhà nước; đồng thời giảm thủ tục từ 10 ngày xuống còn 5 ngày làm việc đối với hoạt động Cấp Giấy phép gia công xuất khẩu có yếu tố nước ngoài quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT…

Liên quan đến Nghị định 109 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gây nhiều tranh cãi thời gian qua, Bộ Công Thương cũng tiến hành điều chỉnh thời gian thực hiện thủ tục từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với hoạt động cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; Đồng thời bãi bỏ quy định về việc “Cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Giấy chứng nhận sắp hết hiệu lực”.

Cũng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngoài lĩnh vực Xúc tiến thương mại (9 thủ tục); lĩnh vực An toàn thực phẩm (8 thủ tục); lĩnh vực xuất nhập khẩu (7 thủ tục), 7 lĩnh vực khác cũng được cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục lần này gồm có: Lĩnh vực Sở giao dịch hàng hóa (3 thủ tục); Lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường (9 thủ tục); Quản lý cạnh tranh (7 thủ tục); Kỹ thuật an toàn (5 thủ tục); Kinh doanh rượu (2 thủ tục); Năng lượng (3 thủ tục) và Điện (1 thủ tục).

 

Quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018 về việc quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau:

Hàng hóa nhập khẩu có đặc điểm khác biệt với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước mà hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;

Hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường;

Khối lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được xác định như sau:

Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được Cơ quan điều tra tiếp nhận theo khoản 1 Điều 13 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ tính từ ngày quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời hoặc chính thức hoặc quyết định về kết quả rà soát biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 của năm ban hành quyết định miễn trừ.

Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được Cơ quan điều tra tiếp nhận theo khoản 2 Điều 13 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ là 01 năm tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm kế tiếp.

Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ bổ sung được Cơ quan điều tra tiếp nhận theo khoản 4 Điều 13 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ tính từ ngày tiếp nhận Hồ sơ miễn trừ đầy đủ và hợp lệ đến ngày 31 tháng 12 của năm ban hành quyết định miễn trừ.

Đối tượng đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm:

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

Tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để sản xuất;

Các tổ chức, cá nhân khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2018.

 

Vướng mắc về quy định yêu cầu các lô hàng thủy sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch

Ngày 24/4/2018, VASEP đã gửi Công văn số 68/2018/CV-VASEP tới Cục Thú y kiến nghị giải quyết vướng mắc về quy định yêu cầu các lô hàng TSXK phải có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Từ tháng 1/2018 đến nay, Hiệp hội đã nhận được phản ánh của một số DN hội viên liên quan đến bất cập do quy định yêu cầu các lô hàng thủy sản XK phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch mới được thông quan. Theo đó, hiện nay Cơ quan Hải quan tại sân bay Tân Sơn nhất đã và đang yêu cầu các lô hàng thủy sản khi XK qua Cảng sân bay Tân Sơn Nhất phải có giấy Chứng nhận kiểm dịch mới được thông quan xuất khẩu.

Trước đây, Giấy chứng nhận kiểm dịch này theo Quyết định 3408/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/12/2010 của Bộ NNPTNT sẽ do Cục NAFIQAD cấp. Theo khoản 2, Điều 53, Luật Thú y 2015 thì:

“2. Động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch trước khi XK theo yêu cầu của nước nhập khẩu, của chủ hàng và trước khi nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Namphải được kiểm dịch.”

Theo quy định này, các lô hàng thủy sản XK cần có Giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo nếu nước nhập khẩu hoặc chủ hàng có yêu cầu bắt buộc, còn với các nước không có yêu cầu bắt buộc và chủ hàng không yêu cầu thì các lô hàng thủy sản XK không nhất thiết phải có giấy này mới được phép thông quan. Như vậy, chỉ có hai trường hợp là lô hàng thủy sản XK phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo, bao gồm:

(1) Trường hợp chủ hàng có yêu cầu: Cơ quan Hải quan có thể căn cứ trên yêu cầu được thể hiện trong các chứng từ kèm theo lô hàng (đơn đặt hàng, hợp đồng,…) để xác nhận chủ hàng có yêu cầu giấy Chứng nhận Kiểm dịch hay không.

(2) Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu Giấy Chứng nhận Kiểm dịch.

Trước đây, Cục NAFIQAD đã ban hành công văn số 442/QLCL-CL1 ngày 20/3/2014 thông báo 7 thị trường có yêu cầu phải cấp giấy Chứng nhận Kiểm dịch. Tuy nhiên, công văn này ban hành dựa trên Pháp lệnh Thú y 2003 và Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 của Bộ NN&PTNT quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản.

Hiện nay, cả hai văn bản này đều đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Thú y 2015 và Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NNPTNT, đồng thời từ 2014 đến nay, các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu cũng đã có nhiều thay đổi. Do đó, công văn 442/QLCL-CL1 hiện nay không còn hiệu lực nữa.

Tuy nhiên, hiện tại Bộ NN&PTNT chưa ban hành văn bản nào quy định thị trường nào yêu cầu bắt buộc các lô hàng thủy sản XK phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo (trường hợp số 2 nêu trên). Do đó, Cơ quan Hải quan (như Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất) không có căn cứ để xác định đối với thị trường XK nào thì lô hàng bắt buộc phải có Giấy Chứng nhận kiểm dịch kèm theo mới được XK. Điều này không chỉ chưa đúng với quy định hiện hành, mà còn gây lãng phí về thời gian, chi phí, nhân lực… cho cả cơ quan hải quan và các DN do phải thực hiện thêm một thủ tục hành chính phát sinh.

Để thực hiện đúng các quy định hiện hành, giúp DN giảm bớt chi phí và các thủ thục hành chính không đáng có, tạo thuận lợi cho các bên, VASEP đề nghị Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) sớm xem xét giải quyết giúp ngay các bất cập trên và tham mưu lãnh đạo Bộ NNPTNT ban hành văn bản quy định thị trường nào có yêu cầu bắt buộc các lô hàng thủy sản XK phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo.

 

Vị thế của nông sản Bra-xin trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, tác động đến Việt Nam

Braxin có sản lượng xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới về cà phê, đậu tương, ngô, bông, đường và thịt gia cầm và thịt bò chỉ sau Mỹ. Ngành nông nghiệp và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đóng góp nhiều nhất vào sự phục hồi kinh tế của Braxin trong những năm vừa qua. Nông nghiệp hiện chiếm 23.5% trong cơ cấu GDP, mức cao nhất trong 17 năm theo Liên đoàn Nông nghiệp và Chăn nuôi Quốc gia (“CNA”). Ngành kinh doanh nông sản giải quyết 23% việc làm cho cả nước.

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mở ra cơ hội lớn cho nông sản Braxin. Sau cuộc điều tra của Mỹ về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ khởi động tranh chấp thương mại với Trung Quốc bằng việc tăng thuế đầu tiên đối với thép và nhôm nhập khẩu từ một số nước trong đó có Trung Quốc. Tiếp đó Mỹ công bố khoảng 1.300 mặt hàng của Trung Quốc bị đưa vào danh sách có thể bị áp mức thuế lên tới 25%. Chính phủ Trung Quốc cũng hành động đáp trả bằng việc ban hành danh mục thuế quan sẽ áp lên 128 sản phẩm từ Mỹ trong đó thịt lợn gà có tỷ lệ tăng thuế cao nhất lên tới 25%, đậu tương 15% và hàng loạt sản phẩm khác.[1] 

Nếu các mức thuế quan này được thực hiện thì các sản phẩm nông sản từ Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ, vì vậy Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm nhập khẩu hàng hoá từ các nước khác để thay thế trong đó Brasil có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu của Trung Quốc về đậu tương và thịt lợn.

Về đậu tương, Trung Quốc có ngành chăn nuôi lớn nhất thế giới nên cần nhiều nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và dự kiến cần mua 97 triệu tấn đậu tương trong năm 2017 – 2018, chiếm gần 2/3 lượng đậu tương xuất khẩu của thế giới đạt 12 tỷ USD. Theo ước tính Braxin có thể xuất khẩu đậu tương lên tổng cộng 70,5 triệu tấn trong năm 2018. Dự báo thời gian tới, đậu tương của Braxin và các nước Nam Mỹ khác sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu nông sản Trung Quốc. Điều này sẽ tạo sự tăng giá hàng nông sản Braxin. Theo ghi nhận vào ngày cuối tháng 4 năm 2018, giá đậu tương của Braxin và Mỹ đã bắt đầu có sự chệnh lệch đáng kể trên sàn giao dịch nông sản. Đậu tương Brazil được báo giá ở mức 467 USD/tấn, bao gồm cả chi phí và vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc trong tháng 6-7, so với hàng hóa Mỹ có giá khoảng 435 USD/tấn, theo các thương nhân ở Trung Quốc và Singapore mức chênh lệch giá thông thường chỉ khoảng 10 USD/tấn.

Về thịt lợn, Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới với 56 triệu tấn/năm. Trong năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 275 nghìn tấn thịt lợn từ Mỹ với giá trị 488 triệu USD. Cùng thời điểm thì Braxin xuất khẩu 48,9 nghìn tấn sang Trung Quốc đạt giá trị 100,6 triệu USD. Trung Quốc đang bắt đầu nhập khẩu nhiều thịt hơn từ Braxin trong ba tháng đầu năm 2018 đã có 37,7 nghìn tấn thịt lợn được xuất sang Trung Quốc, tăng 161% so với cùng kỳ năm 2017.

Bảng 1: Xuất khẩu nông sản từ Braxin sang Trung Quốc

Mặt hàng

03 tháng 2018 (USD)

Tăng/giảm so với

cùng kỳ 2017 (%)

Đậu tương

4.043.235.245

0

Thịt lợn

81.511.073

161

Thịt bò

314.367.164

44

Thịt Gà đông lạnh

204.721.730

10

Nguồn: Bộ CN, NT & DV – Braxin

Việt Nam nhập khẩu lượng lớn ngô, đậu tương, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phụ phẩm gia cầm từ Braxin. Riêng đậu tương, thị phần nhập khẩu như sau 52% nhập từ Braxin, 22% từ Hoa Kỳ và 17% từ Singapore. Brazil trở thành nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2017 do giá cả cạnh tranh.

Bảng 2: Nhập khẩu nông sản từ Braxin sang Việt Nam

Mặt hàng

03 tháng 2018 (USD)

Năm 2017 (USD)

Ngô

33.899.086

         412.219.152

Đậu tương và dầu đậu tương

65.107.950

         341.891.436

Thịt gà

4.406.653

           17.388.264

Nguồn: Bộ CN, NT & DV - Braxin

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động đến sự tăng giá của các mặt hàng nông sản Braxin do sự quan tâm của các Công ty kinh doanh nông sản từ Trung Quốc và Singapore. Vì vậy, để đảm bảo sự ổn định tránh sự tăng giá quá mức, các nhà nhập khẩu nông sản Việt Nam nên chủ động đàm phán với các nhà xuất khẩu Braxin ngay từ bây giờ để đảm bảo tính chủ động trong sản xuất.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây