Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Cần huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp

Thứ hai - 29/03/2021 05:16
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN ở tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Vì vậy, rất cần có giải pháp và định hướng lâu dài để phát triển CCN bền vững.
Kết quả bước đầu
          Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút các nhà đầu tư đến với các CCN như thực hiện tốt chính sách về ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ… nên đến thời điểm này toàn tỉnh đã hình thành 17 CCN với tổng diện tích 527,5 ha. Trong đó, có 14 CCN đã đi vào hoạt động, đạt tỉ lệ lấp đầy bình quân 58,1%; 4 CCN cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông; 1 CCN có hệ thống xử lý nước thải chung. Tất cả các CCN đều đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 14 CCN được phê duyệt dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (KCHT) theo từng giai đoạn, từng hạng mục phù hợp với khả năng hỗ trợ, bố trí kinh phí. Tổng kinh phí đã thực hiện đầu tư xây dựng KCHT khoảng 190 tỉ đồng/1.025,54 tỉ đồng được phê duyệt từ nguồn kinh phí trung ương, tỉnh, ngân sách cấp huyện.
         Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thu hút 131 dự án đầu tư vào 14 CCN với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.568 tỉ đồng, đã thực hiện đầu tư xây dựng 792 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Những doanh nghiệp tại CCN sau khi đi vào hoạt động đã tích cực nộp ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng, tham gia xây dựng nông thôn mới cũng như làm phong phú thêm các sản phẩm công nghiệp, nâng cao tỉ trọng và giá trị đóng góp của ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Vẫn còn nhiều khó khăn
     Hiện nay, nhu cầu thu hút đầu tư dự án vào các CCN khá lớn. Tuy nhiên, quỹ đất sạch, mặt bằng sản xuất, hạ tầng thiết yếu CCN còn thiếu, cản trở rất lớn đến nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp vào CCN. Trong đó, vướng mắc chủ yếu của các CCN là thiếu vốn đầu tư xây dựng KCHT, chưa được quan tâm đầu tư như các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung trong khu kinh tế. Vị trí địa lý các CCN thường quy hoạch xa trung tâm, giao thông, điện, nước không thuận lợi, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn ngân sách. Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian qua tỉnh đã có sự cố gắng trong việc cân đối các nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng CCN nhưng nguồn vốn bố trí còn nhỏ, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Một số địa phương đã thực hiện công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng CCN để giải quyết vấn đề hạ tầng thiết yếu phục vụ các dự án đầu tư vào CCN nhưng lại nảy sinh vướng mắc trong thanh quyết toán, thực hiện dự án chưa đảm bảo theo quy hoạch chi tiết xây dựng CCN, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư các dự án sau này.
         
Ưu tiên đầu tư cho CCN
          Có thể nói, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa chưa tương xứng với yêu cầu đề ra. Để thu hút các dự án đầu tư vào CCN cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương hơn nữa trong việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn xã hội hóa để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống xử lý nước thải môi trường…ở CCN.
          Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Tiến Dũng cho biết, trước những khó khăn về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh, cùng với các giải pháp khác, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về ban hành “Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, mục tích của nghị quyết nhằm đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh thu hút đầu tư và giải quyết vấn đề về môi trường. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất khu vực công nghiệp nông thôn. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 có trên 20 CCN với tổng diện tích khoảng 570 ha được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo đủ điều kiện thu hút vào đầu tư sản xuất trong CCN. Cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN đã được thành lập, phê duyệt theo quy định và có tỉ lệ lấp đầy cao. Thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Phấn đấu trên 20 CCN với tỉ lệ lấp đầy đạt 70 - 80% diện tích. Nghị quyết cũng nêu rõ đối tượng hỗ trợ; mức hỗ trợ đầu tư xây dựng KCHT kỹ thuật trong CCN do Trung tâm Phát triển CCN làm chủ đầu tư; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với CCN do đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN đầu tư; hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng đối với dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN do Trung tâm Phát triển CCN làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương đảm bảo là 124 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách cấp tỉnh 86 tỉ đồng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố 38 tỉ đồng; nguồn kinh phí khác 40 tỉ đồng. Các giải pháp thực hiện chủ yếu như tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động đầu tư, phát trển CCN; kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động phát triển CCN. Hỗ trợ có chọn lọc các CCN, CCN làng nghề. Lựa chọn, ưu tiên đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các CCN có điều kiện thuận lợi, phù hợp thực tế hạ tầng kinh tế - xã hội. Hằng năm, xây dựng kế hoạch và ưu tiên, bố trí ngân sách để thực hiện chương trình đảm bảo khách quan, phát huy được đồng vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp thì giải pháp xã hội hóa thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN được ưu tiên hàng đầu.
         “Việc ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là rất cần thiết, tạo điều kiện cơ bản để các CCN trên địa bàn tỉnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, qua đó thúc đẩy công nghiệp phát triển”, ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm./.
                                                                            

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: NGỌC TRANG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây