Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Khuyến khích thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Thứ tư - 16/06/2021 22:17
Nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn phát triển, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3716/QĐ-UBND ngày 29/12/2017, phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018 - 2022 với mục tiêu khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ làm nhân tố thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn.
Nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ
Nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ

Việc phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước, xuất khẩu và từng bước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một sự lựa chọn hợp lý, mở ra hướng mới trong phát triển công nghiệp của tỉnh và giúp lĩnh vực kinh tế này bắt kịp với xu thế kỹ thuật hiện đại.

Sau khi có chính sách của tỉnh trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp đã thực hiện các hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển như: Kết nối giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mở rộng thị trường, liên kết giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong cả nước. Các địa phương và ngành Công thương tỉnh cũng tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tiến hành lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu sản xuất trong và ngoài nước. Đồng thời hỗ trợ xúc tiến thu hút đầu tư; áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu các chuỗi sản xuất của cả nước và toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; hướng dẫn đăng ký thương hiệu sản phẩm, thực hiện tuyên truyền, quảng bá về doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn để khách hàng trong và ngoài nước biết đến…

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, một số chính sách vẫn chưa được triển khai sâu rộng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Kết quả sản xuất công nghiệp hỗ trợ của tỉnh có sự chuyển biến nhưng không đáng kể. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2018 tăng 14,79%, năm 2019 tăng 20,03%, năm 2020 tăng 9,57%. Tỉ lệ cơ cấu tổng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của tỉnh năm 2018 chiếm 9,15%, năm 2019 chiếm 9,83% và năm 2020 chiếm 9,94%. Còn nếu tính riêng cho công nghiệp hỗ trợ thì tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất và cơ cấu trong tổng sản phẩm công nghiệp - xây dựng của tỉnh đạt rất thấp. Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh tập trung vào các lĩnh vực để phục vụ các ngành công nghiệp như: Dệt may, cơ khí chế tạo, máy nông nghiệp, đóng tàu…

Công ty TNHH Khải Hoàn là một trong những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trên địa bàn thị xã Quảng Trị trong lĩnh vực cơ khí, chủ yếu sản xuất các linh kiện máy móc. Tuy có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất cũng như phát triển thị trường. So với yêu cầu đặt ra ngày càng cao thì sự phát triển của Công ty TNHH Khải Hoàn còn nhiều lĩnh vực chưa theo kịp. Theo Giám đốc Công ty TNHH Khải Hoàn Hồ Văn Khải thì do yêu cầu linh kiện phục vụ sản xuất công nghiệp ngày càng cao, có những tiêu chí lớn nhưng quy mô và kỹ thuật lao động ở cơ sở chưa đáp ứng kịp. Do đó, công ty cần sự tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn của nhà nước nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

Một trong những khó khăn lớn của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh hiện nay là nguồn vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi khắt khe nhưng ở tỉnh ít có hoặc không có mà phải mua về từ các thành phố lớn nên làm cho chi phí sản xuất cao và đôi lúc đáp ứng không kịp thời. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh còn đơn điệu, nhiều mặt hàng khó sản xuất do thiếu máy móc, công nghệ và trình độ tay nghề nhân công không cao.

Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tỉnh cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp hiện vẫn đang loay hoay trong tìm kiếm thị trường cung ứng các sản phẩm linh kiện phục vụ sản xuất công nghiệp. Việc chưa trang bị tốt kiến thức về quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất cũng là lực cản lớn để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Giám đốc Công ty TNHH Davics, Đông Hà Phạm Huy Du cho biết: “Trong quá trình hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn về các nguồn vốn, đầu ra sản phẩm và cách thức quản lý doanh nghiệp. Từ những khó khăn đó, công ty mong muốn tỉnh hỗ trợ về đầu ra sản phẩm, cách xây dựng thương hiệu, tập huấn cách quản lý doanh nghiệp và kỹ thuật”.

Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển, thời gian tới, các ngành hữu quan và chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 3716 của UBND tỉnh. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên doanh, liên kết; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục khảo sát và xây dựng danh mục các sản phẩm, tổ chức đánh giá năng lực của các doanh nghiệp về khả năng phát triển công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ cung cấp thông tin cung cầu về thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đổi mới, ứng dụng những ý tưởng sáng tạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh khá đầy đủ, vì thế các ngành hữu quan và các cấp chính quyền cần triển khai sâu rộng hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh hơn, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Về phía các doanh nghiệp cần có quyết tâm mạnh mẽ về nâng cao năng lực quản trị và mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần tăng tỉ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế từ 20 - 25% vào năm 2022.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Võ Thị Hòe

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây