Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp

Thứ hai - 28/05/2018 21:24
Công nghiệp hỗ trợ (Supporting Industry) hay công nghiệp phụ trợ có nhiều cách định nghĩa bởi do cách nhìn hay mục tiêu của các nước, các tổ chức về nó là khác nhau. Nhưng tựu trung lại thì đây là ngành sản xuất, cung ứng linh kiện cho công nghiệp lắp ráp, sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm cuối cùng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Việt Nam thì công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là các ngành công nghiệp cung cấp linh kiện, phụ kiện, máy móc, dịch vụ đóng gói và dịch vụ kiểm tra cho các ngành công nghiệp cơ bản (chủ yếu các ngành cơ khí, máy móc, linh kiện cho ô tô, điện và điện tử là những công nghiệp hỗ trợ quan trọng). Trong những năm gần đây, các vấn đề lý luận cũng như chính sách phát triển ngành CNHT chỉ được bàn thảo nhiều, ở cấp độ Chính phủ và địa phương cũng đã xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy CNHT phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung thì thực tế đạt được của phát triển CNHT vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.
 
CNHT Việt Nam hiện chỉ mới đáp ứng 10% nhu cầu trong nước (trong khi đó Trung Quốc là 50%, Thái Lan 60%), cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất CNHT, chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng kim loại, linh kiện nhựa, cao su. Cho đến nay nhiều ngành CNHT không đạt mục tiêu đề ra như: công nghiệp phụ tùng ôtô chỉ đạt 8% trong mục tiêu nội địa hóa 60%, tương tự như ngành điện tử đặt mục tiêu 20% nhưng thực tế chúng ta chỉ có ngành lắp ráp điện tử chứ chưa sản xuất linh kiện điện tử, ngành cơ khí chế tạo máy trong nước cũng rất mờ nhạt… Dung lượng thị trường nội địa quá nhỏ trong khi sự chi phối của các tập đoàn xuyên quốc gia lại quá lớn, trong số 500 doanh nghiệp thì chỉ có 200 doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu và được cung ứng các linh kiện, phụ tùng xe máy và điện tử cho nước ngoài, trong khi các lĩnh vực dệt may, da giày còn bỏ ngõ.
Chúng ta đều biết, để phát triển một đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc phát triển CNHT là cực kỳ quan trọng, bởi trước hết, CNHT là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá. CNHT là “bệ đỡ” cho sự phát triển sản xuất công nghiệp, là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành CNHT. Do vậy, nếu CNHT kém phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng sẽ bị giới hạn trong một số ít các ngành.      
Thứ nữa, sản xuất CNHT thường có xu hướng tập trung chuyên môn hóa sâu, nên sẽ tạo năng suất sản xuất và hiệu quả mới tăng lên.
Quan trọng hơn, tham gia CNHT chính là cơ sở để thực hiện hội nhập công nghiệp toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khi các quan hệ hợp tác được thiết lập, sản phẩm CNHT sẽ là một bộ phận hiện hữu, không tách rời, cấu thành trong các sản phẩm của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... CNHT nhờ đó mà trở thành một bộ phận tham gia vào hệ thống sản xuất chuyên môn hóa quốc tế. Giá trị sản xuất của CNHT sẽ được nằm trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực cũng như toàn cầu. Khi CNHT phát triển sẽ giúp cho các công ty nước ngoài yên tâm hơn về nguồn linh kiện cung cấp, sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác ít phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chúng loại quá nhiều, chi phí chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng phí tổn đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu. Qua đó, CNHT phát triển có hiệu quả sẽ tạo điều kiện thu hút được đầu tư nước ngoài và tạo tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, phát triển CNHT sẽ có tác động khuyến khích ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ cao, lực lượng lao động có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi, nâng cao tay nghề. Lao động trong công nghiệp hỗ trợ sẽ khuyến khích, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, trong khi hoạt động lắp ráp là những công việc đơn thuần, lặp đi lặp lại,  trình độ tay nghề của công nhân không có cơ hội được nâng cao, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, ngành CNHT phát triển sẽ tạo ra hiệu ứng kéo các ngành công nghiệp khác phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước, đóng góp tăng trưởng kinh tế và làm giảm tỷ lệ người nghèo.
Ngày 03/11/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 hướng dẫn quy trình, thủ tục ưu đãi đối với các dự án sản xuất CNHT, trong đó kèm theo danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, xét trên danh mục sản phẩm thì trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay chỉ có sản phẩm que hàn điện là thuộc danh mục nêu trên.
Như những phân tích ở trên chúng ta có thể nhận thấy việc phát triển CNHT rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, với một địa phương có nền sản xuất công nghiệp chúng ta còn thấp thì không nhất thiết phải “gò ép” để phát triển CNHT, bởi khi đó các doanh nghiệp tham gia sản xuất CNHT sẽ mang đến những công nghệ sản xuất lạc hậu, sẽ kéo theo năng suất thấp và gây ô nhiễm môi trường lớn.
Trong xu thế hiện nay, vấn đề lao động rẻ không còn là lợi thế lớn của việc thu hút các dự án đầu tư, do đó để thu hút các dự án đầu tư CNHT thì các vấn đề về: chính sách thuế, đất đai là điều kiện hết sức quan trọng. Đối với một tỉnh có ít lợi thế như chúng ta, thì cần phải đưa ra những chính sách ưu đãi tối đa về thuế, đất đai thì mới có thể thu hút được đầu tư vào phát triển công nghiệp và CNHT.
Bên cạnh việc cần có những chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn thì cần nghiên cứu bổ sung một số ngành nghề, sản phẩm ngoài danh mục tại Thông tư số 55/2015/TT-BCT Bộ Công Thương nhưng có lợi thế sản xuất tại địa phương, phục vụ một số ngành sản xuất trong nước như: gia công đồ gỗ, cơ khí, may mặc, xây dựng... phù hợp với điều kiện một số doanh nghiệp và thực tế của tỉnh nhà.
Có quan điểm xem toàn bộ quy trình sản xuất một sản phẩm như một quả núi thì các ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chân núi, còn công nghiệp lắp ráp, sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng đóng vai trò đỉnh núi. Khi một ngành CNHT rộng lớn, vững chắc thì nền công nghiệp lắp ráp sản xuất hoàn tất cuối cùng bền vững, ổn định. Với cách nhìn nhận như trên, tổng thể ngành công nghiệp có thể được xem như là sự kết hợp giữa công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp lắp ráp sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng, trong đó, CNHT được coi là cơ sở nền tảng, công nghiệp lắp ráp sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng có vai trò hoàn thành giá trị sử dụng của sản phẩm. Phát triển CNHT khá quan trọng để nâng tầm nền công nghiệp, tuy nhiên đối với một địa phương như chúng ta nên thận trọng lựa chọn các nhà đầu tư cho phù hợp và bảo đảm việc phát triển với bảo vệ môi trường./.

Tác giả bài viết: Thanh An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây