Bồi dưỡng chuyên đề Hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế
Thứ hai - 11/01/2016 01:35
Sáng 17/12/2015, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị bồi dưỡng chuyên đề về " Hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế- Cơ hội và thách thức" và một số định hướng phát triển của tỉnh Quảng Trị do Tiến sỹ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội , Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung là giảng viên. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Đức Chính , Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, HDND, UBND, UBMTTQVN và gần 200 cán bộ lãnh đạo các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh.
Trong chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định nhiệm vụ phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa đất nước và để phù hợp với xu hướng hội nhập mang tính tất yếu của thời đại, Đảng đã có chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập”. Nội lực của nền kinh tế là yếu tố quyết định thành công trong hội nhập.
Tại lớp bồi dưỡng, Tiến sỹ Trần Du Lịch đã trình bày những cơ hội và thách thức của nền kinh tế nước ta trong qua trình hội nhập; những tác động trực tiếp của của quá trình hội nhập; định hướng tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng – nhân tố quyết định để thành công trong hội nhập. Đồng thời cũng đã chỉ ra những thách thức từ nội tại cơ cấu kinh tế và những tác động trực tiếp của Hội nhập. Theo đó, khi Việt Nam hội nhập sẽ có 3 cơ hội lớn mở ra cho nên kinh tế và doanh nghiệp đó là chúng ta có sân chơi khu vực và toàn cầu, nên kinh tế mở và xóa bỏ rào cản thương mại và môi trường kinh tế vĩ mô trong nước được cải thiện để thích nghi. Còn thách thức đối với doanh nghiệp là hạ tầng kỹ thuật và xã hội không thuận lợi để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp VN sẽ bộc lộ những yếu kém và có nguy cơ bị chi phối bởi các tập đoàn nước ngoài. Chính vì vậy vấn đề đặt ra là phải tái cấu trúc nền kinh tế để nâng cao tính cạnh tranh, tức là phải khai thác được thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới theo hướng chuyên canh, có quy mô lớn để thu hút được nguồn vốn đầu tư và áp dụng được khoa học kỹ thuật.
Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh Quảng Trị, Tiến sỹ Trần Du Lịch đã nêu một số định hướng về bài toán phát triển của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới. Theo đó Quảng Trị nên phát triển các ngành kinh tế theo quan điểm "cơ cấu kinh tế mở" và đặt trong quan hệ phát triển vùng. Nghĩa là phải rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở dựa vào liên kết vùng. Ưu tiên tập trung thay đổi cơ cấu nông nghiệp theo 2 nội dung đó là: tổ chức lại sản xuất và chuyển dịch lao động và làm thế nào để áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời khai thác thế mạnh kinh tế biển trên 4 lĩnh vực đó là: cảng biển gắn với hoạt động logistic; cá́c ngành công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển, trọng tâm là Khu kinh tế Động Nam, đây là cực phát triển hướng ra biển. Quảng Trị cần phát triển ngư nghiệp gắn với dịch vụ hậu cần nghề biển và thương mại gắn với du lịch biển đảo. Muốn làm được điều này, tỉnh Quảng trị phải chọn được những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực để tạo ra những cực tăng trưởng làm động lực thu hút đầu tư ở từng lĩnh vực khác nhau, cùng với đó là phải rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và có chính sách hỗ trợ bằng nguồn lực để nhà đầu tư có thể thực hiện được. Một yếu tố rất quan trọng đó là phải nâng cao chất lượng quản trị hành chính công và xây dựng một nền hành chính phục vụ thực sự.
Về các giải pháp cụ thể, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc Hội Trần Du lịch cho rằng: Quảng Trị cần tận dụng những lợi thế của hành lang kinh tế Đông – Tây và Khu kinh tế Đông Nam vừa được Chính phủ phê duyệt đề xây dựng tầm nhìn chiến lược cho tương lai xa hơn, đưa Quảng trị trở thành tỉnh phát triển mạnh và bền vững. Ngoài ra, để thực hiện các giải pháp này thì bộ máy hành chính phải được xây dựng là một nền hành chính thực sự và là nền hành chính phục vụ. Tỉnh cũng cần xác định rõ chính quyền Quảng Trị có thể hỗ trợ đầu tư bằng nguồn lực như thế nào, hỗ trợ đến đâu để nhà đầu tư có thể vào tìm hiểu và đầu tư tại Quảng Trị.