Với 132 nghìn héc ta rừng sản xuất, trong đó có 80 nghìn héc ta rừng keo là tiềm năng rất lớn của tỉnh Quảng Trị trong việc về sản xuất lâm nghiệp. Hàng năm, tỉnh Quảng Trị có sản lượng hơn 1,5 triệu m3gỗ, không chỉ cung ứng đủ cho các nhà máy chế biến gỗ trong tỉnh mà còn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Lợi thế này được xác định công nghiệp chế biến gỗ sẽ là một trong những ngành sản xuất chủ yếu của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, nguồn cung ứng gỗ phải minh bạch và hợp pháp mới phát huy được.
Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị nói: “Để làm được điều đó, đòi hỏi trồng rừng nguyên liệu phải ứng dụng các khoa học kỹ thuật để tạo ra năng suất, chất lượng của rừng nhiều hơn và nâng cao giá trị của rừng ngày càng cao hơn trên 1 héc ta”.
Xuất phát từ tiềm năng và lợi thế đất đai, tỉnh Quảng Trị đang có đủ điều kiện để định hướng đưa ngành sản xuất chế biễn gỗ rừng trồng thành ngành sản xuất công nghiệp chính.
Tuy nhiên, để nguyên liệu rừng bán được trên thị trường thuận lợi thì các chủ rừng phải đáp ứng các yêu cầu về khai thác, chế biến theo quy định. Trước hết, việc khai thác phải được cho phép của cơ quan chức năng tùy theo nguồn gốc của rừng; mặt khác, gỗ chế biến cần phải ưu tiên cho các sản phẩm như ván ghép thanh, viên nén năng lượng vì thị trường như Mỹ và Châu Âu rất ưa chuộng.
Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết thêm: “Chúng ta hiện nay cũng dần dần phải trồng cây dài ngày để tạo gỗ lớn, để có nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Hiện nay, các nhà máy chế biến gỗ ở Quảng Trị đang được tỉnh Quảng Trị quan tâm, đồng thời các nhà máy này cũng là nơi tiêu thụ nông sản cho nông dân”.
Trong chuỗi giá trị từ việc trồng, khai thác cho đến dịch vụ buôn bán và chế biến nó phải theo một trật tự quy định của nhà nước. Vì vậy, Quảng Trị có tiềm năng đất đai, nhân dân đang tập trung sản xuất lâm nghiệp lớn thì sẽ có khả năng đưa năng suất, giá trị rừng trồng ngày càng cao, tạo ra đóng góp cho GDP của tỉnh ngày càng lớn hơn.