Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Hiệu quả từ các dự án đầu tư vào các vùng trọng điểm kinh tế

Thứ ba - 14/06/2016 21:40
Đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế- xã hội là một trong những nội dung quan trọng được Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI xác định. Đây là bước đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
 
:    Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú ở Cụm công nghiệp Diên Sanh (Hải Lăng) tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương
: Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú ở Cụm công nghiệp Diên Sanh (Hải Lăng) tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương
Nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư vào các vùng trọng điểm kinh tế như khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư như tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư, tiếp cận trực tiếp các nhà đầu tư, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc lập dự án; thực hiện nhiều cuộc làm việc với các đoàn nghiên cứu, tham quan học tập kinh nghiệm, tìm hiểu cơ chế chính sách và thủ tục đầu tư vào các KCN, KKT... 
Nhờ đó, năm 2015 BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã cấp 14 giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án và phương án kinh doanh tại các KCN, KKT, trong đó có 6 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký trên 520 tỷ đồng. Điển hình như dự án sản xuất viên nén năng lượng của Công ty CP Thái Bình Xanh đến từ TP.Hồ Chí Minh với số vốn đăng ký 285 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng tại KCN Quán Ngang vào cuối năm 2015 và Dự án nhà máy chế biến bột giấy công suất 350 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành thủ tục và khởi công xây dựng trong năm 2016. Ngoài ra Công ty CP Licogi 13 đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Quán Ngang giai đoạn 3 với quy mô 120 ha... Cũng trong năm 2015 có 2 dự án quy mô lớn được xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành là Dây chuyền II nhà máy gỗ MDF tại KCN Quán Ngang với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng và dây chuyền II Nhà máy may Hòa Thọ tại KCN Nam Đông Hà tổng vốn đầu tư 53 tỷ đồng.
Như vậy tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 108 dự án đầu tư vào các KCN, KKT với tổng số vốn hơn 8.593 tỷ đồng; trong đó có 62 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất- kinh doanh, 27 dự án đang triển khai xây dựng nhà máy và 19 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đang làm thủ tục thuê đất để xây dựng nhà máy. Điều đáng mừng là có nhiều dự án đang hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy Bia Hà Nội-Quảng Trị công suất 25 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư 294 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 105 tỷ đồng/ năm 2015; Nhà máy gỗ MDF (đây chuyền I) trong Khu Công nghiệp Nam Đông Hà doanh thu ước đạt trên 250 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 20 tỷ, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động; Công ty CP Thông Quảng Phú doanh thu ước đạt trên 200 tỷ, nộp ngân sách gần 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 100 lao động, thu nhập bình quân của người lao động 5 triệu đồng/tháng; Công ty may Hòa Thọ-Đông Hà doanh thu ước đạt gần 70 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động. Ngoài ra có một số DN hoạt động mang lại hiệu quả khá như Công ty CP Bình Điền-Quảng Trị, Công ty TNHH Phương Thảo, Nhà máy sản xuất nước tăng lực Super Horse, Nhà máy sản xuất săm lốp xe máy Camel...đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa bàn nông thôn, vùng núi, khu vực biên giới. 
Ông Quốc Hồ Hiệp Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Chỉ tính riêng trong năm 2015 tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các dự án tại các KCN, KKT ước đạt gần 3.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách địa phương trên 230 tỷ đồng, tăng 70% so với 2014, giải quyết việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động, thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động thu hút đầu tư đã đạt được kết quả đáng kể và mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt là nâng cao năng lực sản xuất của nhiều cơ sở công nghiệp, tạo ra năng lực sản xuất mới trong một số lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hiện đại hóa ở một số đơn vị thuộc ngành công nghiệp, giải quyết việc làm và góp phần tăng thu ngân sách địa phương”. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thu hút đầu tư ở tỉnh Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về đất đai, lao động, về lợi thế kinh tế trên Hành lang kinh tế Đông-Tây…Số lượng nguồn vốn đầu tư còn thấp, hiệu quả đầu tư nhiều dự án chưa cao, nhất là trong lĩnh vực du lịch, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất nông-lâm nghiệp. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng còn yếu; cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi đồng bộ; bộ máy hoạt động xúc tiến đầu chưa được kiện toàn nên hiệu quả hoạt động chưa cao…
Để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị cần nghiên cứu sửa đổi chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với các quy định của luật pháp mới được sửa đổi, ban hành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... để tạo bước đột phá mới về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Về chính sách hỗ trợ cần tập trung hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, chi phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư, xây dựng khu nhà ở công nhân, đào tạo lao động trong diện giải tỏa đền bù; hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, quảng cáo và giới thiệu sản phẩm. Mặt khác, cần rà soát lại quy mô các dự án đã thu hút đầu tư vào KCN, khu du lịch, CCN, làng nghề. Đối với các dự án đang triển khai dở dang nhưng khó khăn về tài chính đang ngừng thi công, hoặc những dự án chưa triển khai xây dựng thì tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện, nhưng phải ký quỹ đầu tư, cam kết thời gian triển khai xây dựng dự án và nếu hết thời hạn cam kết thì thu hồi giấy phép đầu tư. Đối với những dự án sử dụng đất quá lớn so với quy mô và năng lực hiện có, gây lãng phí cần phải kiên quyết thu hồi lại một phần đất để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất. 
Bên cạnh đó, tỉnh cần xác định sản phẩm chủ lực để có hướng đi phù hợp, chú trọng liên kết vùng để huy động thêm sức mạnh ngoại lực. Đặc biệt là đa dạng hóa các hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn, đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển; áp dụng và mở rộng hình thức đầu tư đối tác công- tư (PPP) như: BOT, BT, BOO, BTL... Xã hội hóa mạnh mẽ đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ công. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Đặc biệt là tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Đề cao tính thượng tôn pháp luật trong lĩnh vực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Coi trọng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá chính xác hiệu quả thu hút đầu tư và thực chất cơ chế hiện hành. Có như vậy mới hy vọng tạo được “làn sóng” đầu tư mới vào các vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, phấn đấu đưa Quảng Trị sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.
 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh:TÂN NGUYÊN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây