Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Phát huy thế mạnh ngành công nghiệp chế biến gỗ

Thứ ba - 16/04/2019 21:29
Quảng Trị là một trong những địa phương đứng đầu của Việt Nam về diện tích trồng rừng sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Hằng năm, tỉnh có sản lượng hơn 1,5 triệu mét khối gỗ, không chỉ cung ứng đủ cho các nhà máy chế biến gỗ trong tỉnh mà còn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy vậy, để tồn tại trong môi trường cạnh tranh và hội nhập cao, các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Quảng Trị cần phải tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, có chiến lược phát triển bài bản và lâu dài.
Phát huy thế mạnh ngành công nghiệp chế biến gỗ

Năm 2010 ngành công nghiệp chế biến (CNCB) gỗ tỉnh Quảng Trị chỉ có 53 doanh nghiệp thì đến năm 2018 con số này là 112 doanh nghiệp, trong đó nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm tỷ trọng lớn. Sự phát triển ngành CNCB gỗ được nhìn nhận qua việc tăng số lượng cơ sở chế biến, tăng công suất, mở rộng công suất thiết kế của nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo thường niên của Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam, tổng công suất của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh khoảng 165.000 m3 sản phẩm/năm. Quy mô vốn đầu tư ngành CNCB gỗ của tỉnh có xu hướng tăng. Thị trường truyền thống của các doanh nghiệp gỗ trong tỉnh tập trung xuất khẩu chủ yếu sang các nước ASEAN (trừ Singapore) chiếm đến 51,17%, hai thị trường lớn tiếp theo là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong những năm trở lại đây, ngành CNCB gỗ của tỉnh phát triển mạnh, trở thành một ngành công nghiệp chủ lực. Một số doanh nghiệp đã có sự đầu tư mạnh trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: Công ty CP gỗ MDF VRG Quảng Trị, Công ty TNHH Phương Thảo (thành phố Đông Hà), Công ty CP Long Hưng Thịnh, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quảng Trị (huyện Hải Lăng), Công ty CP Tiến Phong, Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (huyện Cam Lộ), Công ty CP Lâm sản Quảng Trị (huyện Vĩnh Linh) và nhiều doanh nghiệp và các cơ sở cưa xẻ nằm rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố. Ngành CNCB gỗ của tỉnh tập trung chủ yếu ở lĩnh vực xẻ gỗ, gỗ dán, gỗ ép, chế biến gỗ công nghiệp và đồ gỗ mỹ nghệ .
Về nguồn nguyên liệu, tính đến tháng 3/2018, tỉnh Quảng Trị có trên 22.000 ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), chiếm đến 40% tổng diện tích rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ này của cả nước. Từ nay đến năm 2020 với diện tích trồng rừng tăng bình quân hàng năm trên 4.500 ha rừng tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cao hơn thì sản lượng khai thác gỗ trồng đạt khoảng 900.000 - 1.100.000 m3/năm, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành CNCB gỗ có nhiều cơ hội song cũng có nhiều thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp thiếu nguồn lực. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh có qui mô nhỏ và trình độ công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu. Ngoài ra, vấn đề doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn trong quá trình hội nhập là thu hút đầu tư từ nguồn vốn, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Để ngành CNCB gỗ là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới, cần huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng và tạo ra sự phát triển mới. Kết hợp khai thác tiềm năng về vốn của các doanh nghiệp và các hộ dân cư trên địa bàn tỉnh, tăng cường các biện pháp thu hút vốn phát triển ngành CNCB gỗ từ bên ngoài. Cùng với đó, các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, kết hợp với nhập khẩu công nghệ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.Ông Võ Thái Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN kinh doanh xuất nhập khẩu lâm sản tỉnh cho biết thêm: “Muốn ngành CNCB gỗ phát triển hơn nữa thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống giao thông, cảng biển, kho tàng bến bãi, phương tiện bốc xếp hàng hoá… để phục vụ cho việc trung chuyển hàng hóa trong đó có ngành sản xuất, chế biến gỗ sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường tính kết nối nội địa cũng như khu vực và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của tỉnh cũng như của ngành gỗ nói riêng”.
Với những nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất gỗ, định hướng của tỉnh đối với ngành CNCB gỗ là chuyển hướng từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, đầu tư phát triển lĩnh vực đồ gỗ nội, ngoại thất và đầu tư vào chất lượng và mẫu mã sản phẩm để tạo được giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra cần đẩy mạnh hoạt động quảng cáo và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, từng bước phát triển hình thức thương mại điện tử trong giao dịch sản phẩm công nghiệp chế biến gỗ để phù hợp với xu thế của thị trường.

 

Tác giả bài viết: Thanh Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây