Trên cơ sở báo cáo của nhóm nghiên cứu Trường Đại học kinh tế Huế, các đại biểu đã tham gia ý kiến, trong đó có sự đối chiếu, so sánh với thực tế, Hội thảo đi đến thống nhất kết luận: Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, hành lang kinh tế Đông - Tây đã mang lại nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của 4 nước gồm: Việt Nam, Thái Lan, Lào và Mianma. Đồng thời đã làm thay đổi sinh kế của cộng đồng dân cư, các ngành nghề dịch vụ, chế biến nông lâm sản phát triển mạnh, thu hút ngày càng nhiều lao động, trong đó có đông đồng bào dân tộc thiẻu số, giúp nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường đầu vào sản xuất, vận chuyển hàng hóa dễ dàng với chi phí rẻ hơn và tiếp cận tốt hơn với thị trường xuất khẩu, mức sống cao hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm đó là diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều diện tích đất rừng bị chuyển đổi sang trồng các loại nông sản hàng hóa.
Mặt khác, do khả năng tiếp cận thông tin thị trường hạn chế, năng lực sản xuất thấp, đặc biệt xu hướng thâm canh và chuyên canh 1 loại cây trồng nên người dân đối mặt với nhiều rủi ro và tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt. Do vậy tỉnh Quảng Trị cần hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây. Trong đó xây dựng kế hoach quản lý, khai thác, bảo vệ đất rừng và rừng có sự tham gia của cộng đồng, quy hoạch những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp, tìm các biện pháp phát triển ngành nghề phi nông nghiệp để người dân phát triển kinh tế ít phụ thuộc vào tài nguyên rừng.