Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Đặc trưng chợ nông sản vùng cao

Thứ tư - 14/12/2016 22:37
      Đã nhiều năm nay, người dân ở dọc đường quốc lộ 9, huyện Hướng Hóa quen thuộc với hình ảnh những phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô gùi a chói bên trong chứa nhiều loại nông sản do gia đình họ nuôi trồng được đem đi bán. Các mặt hàng của bà con nơi đây rất đỗi bình dị nhưng lại mang đặc trưng riêng, tạo nên bản sắc văn hóa ở vùng cao.
 
Người dân Hướng Hóa bày bán nông sản tại khu vực chợ Khe Sanh
Người dân Hướng Hóa bày bán nông sản tại khu vực chợ Khe Sanh
     Hơn 2 tháng nay, sáng sớm nào chị Hồ Thị Hòa ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh cũng mang hàng ra chợ trung tâm huyện bán. Trên lưng chị lúc thì gùi măng tươi đã bóc võ, lúc thì những trái bơ, lúc thì mít chín, lúc thì vài bó chè xanh… Đây là những loại nông sản được vợ chồng chị trồng trong vườn nhà hoặc trên nương rẫy. Khách của chị phần lớn dọc đường 9, ngoài ra có những lúc gặp lái buôn, họ mua sĩ nhanh gọn để vận chuyển về miền xuôi bán lại. Nhờ vậy hầu như ngày nào hàng của chị cũng được bán hết. Chị Hòa vui vẻ nói: “Người Vân Kiều, Pa Kô chúng tôi đã biết kinh doanh nông sản của gia đình mình từ hàng chục năm nay. Riêng ở khóm 5 và khóm 6, thị trấn Khe Sanh có nhiều chị em thường xuyên gùi nông sản ra chợ Khe Sanh bán. Cùng trên đường đi bộ với nhau, chúng tôi vừa bán hàng cho khách, vừa có dịp trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt… nên ai cũng cảm thấy vui vẻ, xua tan mệt mỏi vì phải dậy sớm, gùi hàng nặng. Bình quân mỗi ngày tôi bán các loại nông sản thu được khoảng 50 nghìn đồng, những lúc được mùa, được giá thì hơn 100 nghìn đồng/ngày. Nhờ vậy, có thêm nguồn thu để mua thức ăn hay mua sắm thêm đồ dùng trong nhà”. Cũng như chị Hòa, bà Hồ Thị Chơn ở khóm 5, thị trấn Khe Sanh thường gùi hàng ra chợ bán, dù hàng ngày bà kiếm được không nhiều tiền nhưng cũng đủ để mua thêm thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn cho gia đình. Bà Chơn chia sẻ: “Hàng hóa của tôi là thực phẩm sạch, tôi trồng trước hết phục vụ cho gia đình, sau đó mới đem bán. Đặc biệt lúc nào chúng tôi có những loại rau, quả mọc ở suối, nương rẫy, rừng như: dâu da, tắt, quýt, măng, rau rớn, xà lách xoong… thì rất đắt khách”.   
suong nong san 1112

Bên cạnh chú trọng chăn nuôi, trồng trọt những cây trồng, vật nuôi chủ lực xóa đói giảm nghèo, nhiều người Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hóa còn tranh thủ kiếm thêm thu nhập nhờ các loại nông sản mà mình nuôi trồng hay đi khai thác ở trên nương rẫy, dọc bờ sông suối mà không ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên. Vì không đặt nặng về vấn đề kinh doanh, hám lời nên quá trình nuôi, trồng bà con không sử dụng các loại hóa chất độc hại, chủ yếu trồng theo phương pháp tự nhiên. Thường thì họ tranh thủ thời gian từ 4h-10h sáng đem hàng đi bán, thời gian còn lại bà con dành cho những việc khác. Cao điểm từ 5h-7h sáng, với phong phú các loại nông sản như: như: măng, mít, bí đỏ, chuối, cam, quýt, bơ, chè xanh, dâu da…, người bán, người mua hàng tấp nập tại dọc đường 9 và khu vực chợ Khe Sanh. Chị Hải Âu ở khóm 3b, thị trấn Khe Sanh là người thường xuyên tìm mua các loại hàng nông sản của bà con địa phương đi bán để về dùng. Chị cho biết: “Vì sống cùng trên địa bàn nên chúng tôi rất rõ sản phẩm của đa số người Vân Kiều và Pa Kô làm ra rất đảm bảo. Tôi thường mua hàng của họ vì giá phải chăng mà sử dụng cũng yên tâm. Như hôm nay, thấy có người bán cam nhà, măng tươi là tôi liền mua ngay, một phần để ăn, một phần để gửi biếu người bà con ở thành phố”. Không chỉ người trên địa bàn ưa chuộng các mặt hàng nông sản của bà con Vân Kiều, Pa Kô mà khách từ xa đến cũng không nỡ dời chân đi khi nhìn thấy những sản vật được bày bán tại chợ Khe Sanh và dọc đường của thị trấn. Bà Nguyễn Thị Kim Minh ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong cho biết: “Dịp nào đến Hướng Hóa tôi cũng chọn mua một ít trái cây, rau củ, quả về dùng. Ấn tượng nhất với tôi là người bán hàng thật thà, thân thiện và hoàng hóa của họ trông rất ngon”.
     Với mùa nào thức ấy nên chợ nông sản của bà con Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hóa luôn thu hút đông khách. Dù nhiều gia đình vùng khó bây giờ đã trang bị xe máy nhưng phần lớn họ vẫn vận chuyển hàng bằng đi bộ để dễ bán và tiện cho người mua. Có lúc trên đường ra chợ, khách yêu cầu gùi hàng vào tận nhà để chọn mua, người bán vẫn rất nhiệt tình. Hình ảnh tấp nập mua bán của buổi chợ sớm nhiều lúc diễn ra chóng vánh hay cảnh người mua tỏ ra vừa ý với sản vật mà mình mua được, rồi cảnh những phụ nữ dân tộc thiểu số nhẹ nhàng quẩy a chói lên lưng, phấn khởi cùng nhau trở về nhà sau một buổi bán hàng thuận lợi… đã tạo nên một nét đẹp văn hóa riêng tại chợ nông sản vùng cao mà không phải nơi nào cũng có được. Mong rằng, bà con nơi đây luôn biết khai thác phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế hiệu quả, trong đó có các mặt hàng nông sản; tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo; luôn đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng cuộc sống văn minh./.

Tác giả bài viết: Bài ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây