Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Quảng Trị: Dòng điện sắt son tình hữu nghị

Thứ hai - 09/01/2017 21:00
Đầu tháng 12/2016, trong tiết trời đồng đầy mưa lạnh, chúng tôi có chuyến ngược lên Cửa khẩu Quốc tế La Lay (huyện Đakrông, Quảng Trị). Đây là cặp cửa khẩu biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Salavan, Lào được chính thức xây dựng và hình thành vào năm 2009 và được Chính phủ công nhận cửa khẩu quốc tế  vào năm 2014.
 
Trên cung đường uốn triền chân núi
       Từ thị trấn KrôngKlang - Đakrông, dọc theo quốc lộ 14 đến Cửa khẩu quốc tế La Lay khoảng 80km. Chúng tôi đi trên Quốc lộ 14, một cung đường không xa lắm, nhưng lại  uốn theo triền chân núi quanh co, dốc đèo hiểm trở, một bên là núi cao, sương giăng phủ đầy trên đỉnh núi, một bên là dòng Đakrông nước đục ngàu khi đang là mùa mưa.
          Cửa khẩu La Lay thuộc địa bàn thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông. Cùng đi với chúng tôi có anh Nguyễn Bá Quốc - Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Đakrông và anh Phan Văn Tùng - Đội phó Đội quản lý điện tổng hợp A Ngo. Hai anh đã gắn bó lâu năm với Điện lực Đakrông nên hiểu khá rõ về địa hình cũng như lưới điện của huyện Đakrông. Trên hành trình chuyến đi, được anh Quốc và anh Tùng khái quát về lưới điện từ Đakrông cấp cho Cửa khẩu La Lay và từ cửa khẩu đi qua tỉnh Salavan, tôi đã hình dung ra sơ đồ lưới điện từ Đakrông đi qua Salavan.
Điện lực Đakrông (Công ty Điện lực Quảng Trị) là đơn vị quản lý vận hành trực tiếp đường dây điện 35kV thuộc xuất tuyến 375 từ trạm 110kV Tà Rụt (huyện Đakrông) đi lên Cửa khẩu La Lay và đây cũng là tuyến đường dây cấp điện cho tỉnh Salavan của Lào. Xuất tuyến 375 trạm trung gian 110kV Tà Rụt đi La Lay có chiều dài 33,7km, trên tuyến đường dây này có 52 trạm biến áp cấp điện cho các xã vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Đakrông là Húc Nghì, Tà Rụt, A Vao, A Bung, A Ngo và điểm cuối là Cửa khẩu La Lay. Trước đây chưa có trạm 110kV Tà Rụt, Salavan nhận điện từ trạm biến áp 110kV Khe Sanh với bán kính cấp điện khoảng 80km. Từ khi trạm 110kV Tà Rụt được xây dựng và đưa vào vận hành (tháng 7/2013) thì bán kính đường dây 35kV cấp điện cho Salavan rút ngắn xuống một nửa so với trước đây. Thực ra Salavan đã nhận điện từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Trị vào năm 2003, lúc đó nguồn điện được cấp từ đường dây 35kV Đông Hà - Khe Sanh và rẽ lên La Lay.
       Chính vì đặc thù của tuyến đường dây 35kV Tà Rụt - La lay đi qua địa hình vùng núi nên Điện lực Đakrông đã lên kế hoạch định kỳ cho công tác kiểm tra xử lý các vị trí tiếp xúc dọc suốt tuyến đường dây và tại các vị trí máy cắt 309 Húc Nghì và 304 A Ngo. Đồng thời, cây cối trong hành lang tuyến đường dây do cây rừng tự nhiên dễ phát triển nhanh nên Điện lực Đakrông rất chú trọng đến công tác kiểm tra hành lang,  phát quang cây cối đảm bảo đường dây vận hành an toàn, đặc biệt vào mùa mưa bão. Anh Lê Quận Hoàng - Phó Giám đốc Điện lực Đakrông cho biết: Trong thời gian qua, xuất tuyến 375 cấp điện ổn định cho trạm biến áp trung gian Sa Muồi, tuy nhiên để phòng ngừa sự cố nhảy vượt cấp máy cắt 304 A Ngo gây gián đoạn cung cấp điện, Điện lực Đakrông đã đề xuất Công ty Điện lực Quảng Trị phê duyệt phương án chuyển recloser 381/203 km 50 đến vị trí 89 đường dây 35kV nhánh rẽ La Lay, cách Cửa khẩu La Lay 1km để thuận tiện trong công tác quản lý vận hành và kiểm tra xử lý sự cố, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12/2016. Ngoài ra, để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho tuyến đường dây này, Công ty Điện lực Quảng Trị đã thiết kế mạch vòng xuất tuyến 377 nhằm  hỗ trợ cấp điện linh hoạt cho xuất tuyến 375 khi bị sự cố.
 
MG 5428

                    Từ khi có điện, người dân Sa Muồi phát triển thêm ngành nghề sản xuất để nâng cao đời sống

…Để đưa điện qua Sa Muồi, Salavan
       Được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của các anh ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay nên chúng tôi được qua Cửa khẩu La Lay để đến Sa Muồi (tỉnh Salavan). Tiết trời ở Đakrông lúc chúng tôi đi so với Sa Muồi không khác là mấy, tuy ở Sa Muồi có mưa và lạnh hơn đôi chút. Đi qua cửa khẩu khoảng 18km, chúng tôi ghé vào Chi nhánh điện huyện Sa Muồi thì đã gần trưa. Vì có hẹn trước nên anh Thôn-Ma-Nô-Lay - Chi nhánh trưởng Chi nhánh điện Sa Muồi đợi chúng tôi tại Chi nhánh. Anh Thôn-ma-nô-lay nói được tiếng Việt tuy vốn từ còn ít, vì anh cho biết hồi nhỏ anh được gửi qua Việt Nam học theo chương trình của Chính phủ hai nước. Qua tìm hiểu với các anh ở Chi nhánh điện Sa Muồi, chúng tôi được biết, để nhận điện từ phía sau công tơ ranh giới lắp đặt tại cột số 94 đường dây 35kV A Ngo - La Lay, Điện lực Lào đã đầu tư xây dựng khoảng 4km đường dây 35kV và một trạm biến áp trung gian 3.200kVA-35/22kV tại huyện Sa Muồi để cấp điện cho hai huyện Sa Muồi và Tà Ổi. Đầu tháng, cứ vào ngày mồng 1, đại diện Công ty Điện lực Quảng Trị và Công ty Điện lực Salavan cùng tham gia chốt chỉ số công tơ đầu nguồn để xác định lượng điện điện năng tiêu thụ trong tháng. Theo số liệu thống kê, trong 2 năm 2015 và 2016, sản lượng điện Salavan nhận qua hệ thống đo đếm ranh giới tại Cửa khẩu La Lay khoảng 3 triệu kWh/năm.
       Khi nói về tình hình cấp điện ở đây, anh Thôn-ma-nô-lay nở nụ cười đôn hậu và nói rằng, chất lượng điện năng ở đây rất ổn định cho 1.800 công tơ sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng khác trên địa bàn huyện Sa Muồi. Sau đó, anh Thôn-ma-nô-lay dẫn chúng tôi đi tham quan trung tâm Sa Muồi và đến một cơ sở cưa xẻ gỗ và làm mộc có nhiều máy móc, dụng cụ sử dụng điện để gia công sản phẩm. Tại đây, chúng tôi thấy xưởng mộc có quy mô không lớn và hệ thống điện được bố trí đến tận các máy móc, thiết bị theo từng công đoạn sản xuất. Khi chúng tôi nói lời chào tạm biệt, những người ở cơ sở xưởng mộc này đáp lại với chúng tôi một câu nói chân thành: Khẳm chay lay lay (cám ơn nhiều nhiều).
       Trạm biến áp trung gian Sa Muồi có công suất 3.200kVA - 35/22kV cung cấp điện cho hai huện Sa Muồi và Tà Ổi với khoảng 3.000 khách hàng sử dụng điện. Trạm trưởng trạm trung gian 35/22kV Sa Muồi là anh E-Mar-Hồ-Sắc nói tiếng Việt rất sỏi, bởi vậy rất thuận lợi cho chúng tôi trong quá trình trò chuyện. Khi chúng tôi tìm hiểu về tình hình cấp điện của trạm trung gian Sa Muồi, anh E-Mar-Hồ-Sắc cho biết: Huyện Sa Muồi có điện từ năm 2003, đến nay là 13 năm rồi, nhưng hồi đó điện chỉ có ở khu vực trung tâm huyện. Từ năm 2005 trở đi thì lưới điện mới dần được mở rộng về các thôn. Đến nay lưới điện 22kV sau trạm Sa Muồi là 52 km, kết hợp với hệ thống các trạm biến áp phụ tải đáp ứng cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dân cư trên địa bàn hai huyện Sa Muồi và Tà Ổi của tỉnh Salavan.
       Khi chúng tôi rời khỏi trạm biến áp trung gian 35/22kV Sa Muồi thì trời đã xế chiều, mưa phùn vẫn còn giăng kính, trong cái lạnh ngọt của thiết tiết ở Sa Muồi. Chúng tôi tạm chia tay và hẹn có ngày gặp lại các anh ở Chi nhánh điện Sa Muồi, với anh Thôn-ma-nô-lay và anh E-Mar-Hồ-Sắc. Chúng tôi trở về lại Đakrông, cái gạt nước trên cửa kính phía trước ô tô vẫn đều đặn gạt qua gạt lại, trong mỗi chúng tôi vẫn còn đọng lại câu nói của các anh ở Chi nhánh điện Sa Muồi trong cái bắt tay tạm biệt: Khẳm chay lay lay!

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Hữu Tiến-Tuấn Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây