Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Huyện Cam Lộ: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nông sản

Thứ ba - 17/01/2017 04:04
Trong những năm qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã bước đầu xây dựng được mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, nhà khoa học trong sản xuất- chế biến- tiêu thụ nông sản với những sản phẩm tiêu biểu như: Hồ tiêu, tinh bột sắn, tinh dầu lạc, cao su mủ cốm, viên gỗ nén, cao thảo dược…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương.
 
Huyện Cam Lộ cũng đã quan tâm khuyến khích hỗ trợ công nhận làng nghề truyền thống và xây dựng làng nghề mới, góp phần cơ bản chế biến và tiêu thụ một số nông sản chủ lực sản xuất trên địa bàn. Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái công suất 800 - 1.000 tấn sắn tươi/ngày, trong đó tổng sản lượng trên địa bàn huyện khoảng gần 31.000 tấn sắn tươi/năm, cung ứng khoảng 20% công suất nhà máy. Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ có công suất 5.000 tấn sản phẩm/ năm, tương đương trên 15.000 tấn cao su mủ nước/năm; trong đó tổng sản lượng cao su mủ nước của huyện gần 8.000 tấn/năm, cung ứng trên 50% công suất nhà máy. Nhà máy sơ chế tinh dầu lạc Từ Phong có công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm, tương đương gần 5.000 tấn lạc; trong đó tổng sản lượng lạc bình quân toàn huyện 1.300 - 1.500 tấn/năm, cung ứng gần 30% công suất. Làng nghề nấu cao Định Sơn chế biến với tổng sản lượng cao các loại trung bình đạt khoảng 135 tấn/năm, tương đương khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi. Làng nghề truyền thống bún Cẩm Thạch chế biến gần 3.600 tấn lúa/năm. Nghề chế biến tinh bột nghệ tập trung chủ yếu ở vùng Cùa (gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa), tiêu thụ bình quân trên 100 tấn nghệ tươi/năm. Song song với thu hút đầu tư công nghiệp chế biến hàng nông sản, huyện có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng bảo vệ thương hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm, tạo ra được một số mặt hàng xuất khẩu và xây dựng thương hiệu sản phẩm như: Cao dược liệu Định Sơn, tiêu Cùa, tinh bột nghệ, tinh dầu lạc, cao cà gai leo… Tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa tập trung vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận với các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, cao dược liệu, hồ tiêu… Đồng thời, các ngành chức năng của huyện cũng chú trọng công tác cung cấp kiến thức pháp luật, thông tin về thị trường, về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường thông qua chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ. Tiêu biểu, trong năm 2016, có 3 sản phẩm nông sản hàng hóa của huyện Cam Lộ đạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ 3 (tinh dầu lạc, cao chè vằng, tinh bột nghệ), trong đó sản phẩm tinh dầu lạc đạt giải nhất cấp tỉnh, được công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2016.
Ông Trần Hoài Linh, Trưởng phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Cam Lộ cho biết: “Để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm cơ hội để tham gia xuất khẩu trực tiếp hàng hóa, huyện Cam Lộ đã thành lập Tổ Xúc tiến thương mại của huyện; xây dựng website nông sản Cam Lộ; hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm đặc sản của huyện tại các tuyến Quốc lộ 1A, đường 9, đường Hồ Chí Minh. Ưu tiên bố trí ngân sách phục vụ các hoạt động thương mại nông sản; nghiên cứu nhu cầu thị trường, nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để dự báo, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng giai đoạn, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, huyện còn có chính sách khuyến khích và triển khai thực hiện tốt các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thử nghiệm sản phẩm dịch vụ mới, phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Từ năm 2010-2016, huyện Cam Lộ thực hiện 40 đề án khuyến công với tổng kinh phí 14,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công huyện hỗ trợ 512 triệu đồng”. 
Từ các nguồn vốn hỗ trợ khuyến công và phát triển khoa học công nghệ, huyện Cam Lộ đã hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường như: Cao chè vằng của HTX Dịch vụ hồ tiêu Cùa; cao cà gai leo, diệp hạ châu, hà thủ ô của hộ Mai Thị Thủy ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa; tinh dầu lạc của Công ty TNHH MTV Từ Phong; cao cà gai leo của hộ Lê Hồng Nhạn ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền… Điển hình là dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm trong sản xuất cao dược liệu” của cơ sở An Xuân, với nguồn kinh phí hỗ trợ một phần từ Sở Khoa học và Công nghệ, đã đầu tư trang bị 6 bộ nồi nấu cao và 1 nồi cô chân không (loại 200 lít) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm cao cà gai leo, có các ưu điểm lớp cao phía trên không bị trào ra ngoài và lớp cao dưới đáy nồi không bị cháy do thiết bị có thể điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp khi cô đặc; dung dịch không biến tính, giữ được màu sắc, hương vị, thành phần, tính chất của dung dịch trước khi cô nên sản phẩm có màu sắc và mùi thơm đặc trưng, chất lượng tốt. Ngoài ra, việc cô đặc bằng nồi cô chân không còn giúp cho sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh. Nhờ đó, sản phẩm cao cà gai leo An Xuân ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. 
Bên cạnh đó, trong năm 2016, huyện Cam Lộ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp - Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, trong đó, trên địa bàn huyện thực hiện phát triển chỉ dẫn địa lý về cây hồ tiêu; phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) triển khai dự án: “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên đất, nước để sản xuất lạc hiệu quả - bền vững thích ứng biến đổi khí hậu”. Đây là những dự án góp phần quan trọng cho sự phát triển cũng như quảng bá thương hiệu các cây giống chủ lực của huyện trên thị trường trong nước và thế giới./.               
                                                                            

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Khánh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây