Những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các Khu công nghiệp (KCN) nhằm thu hút các dự án đầu tư.
Với diện tích 205 ha như hiện nay và được mở rộng thêm 120 ha nữa, KCN Quán Ngang sẽ trở thành KCN lớn thứ 2 của tỉnh sau Khu kinh tế Đông Nam. Để có được mặt bằng “sạch” và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, suốt mấy năm qua tỉnh Quảng Trị đã bỏ ra gần 90 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục như giải phóng mặt bằng, nâng cấp tỉnh lộ 73, xây dựng đường trung tâm, hệ thống cấp nước, điện... nên đã thu hút các dự án lớn về công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, khoáng sản; sản xuất bia, rượu, nước giải khát, vật liệu xây dựng, dệt may,... Đến nay KCN Quán Ngang đã có 12 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 2.700 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án đã đi vào hoạt động. Đặc biệt là các dự án có quy mô lớn như chế biến khoáng sản titan của Công ty CP khoáng sản Quảng Trị, nhà máy phân bón của Công ty Cổ phần Bình Điền Quảng Trị, sản xuất bia của Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát Hà Nội…
Tổng giám đốc Công ty CP gỗ MDF VRG Quảng Trị Cao Thanh Nam giới thiệu cho tôi biết về diện mạo và quy mô của nhà máy sản xuất gỗ MDF dây chuyền 2. Đây là nhà máy lớn nhất Việt Nam hiện nay có công suất 120.000 m3/năm với thiết bị của CHLB Đức. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.400 tỷ đồng. Hiện nay nhà máy đã đi vào sản xuất thương mại vào ngày 1/8/2016. Sau hơn 4 tháng “chạy thử” nhà máy đã sản xuất được 80.000 m3 gỗ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu và thu hút gần 150 lao động trực tiếp với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Theo công suất thiết kế mỗi năm nhà máy gỗ MDF dây chuyền 2 sẽ tiêu thụ khoảng 200.000 tấn gỗ trên cơ sở sử dụng nguyên liệu khoảng 2.800 ha rừng trồng, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho gần 2.000 lao động trên địa bàn các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa...
Đối với Công ty CP khoáng sản Quảng Trị sau khi nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng công nghệ tuyển quặng và chế biến sâu khoáng sản titan với công suất 4.500 tấn/năm, với công nghệ tiên tiến có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, sản phẩm từ quặng gốc thu được đạt yêu cầu luyện kim, tách riêng lẻ và thu hồi triệt để các kim loại quý hiếm đi kèm, kiểm soát tốt nguồn thải bằng phương pháp hiện đại nên giảm thiểu ô nhiễm ra môi trường ở KCN Quán Ngang. Công ty đã xây dựng hoàn thành nhà máy hoàn nguyên Ilmenite công suất 20.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Đây là nhà máy hoàn nguyên lớn nhất ở Việt Nam được xây dựng theo công nghệ lò liên tục. Điều quan trọng là tạo ra dãy chế biến sâu để biến titan thô trở thành những sản phẩm hữu ích cuối cùng phục vụ cho ngành công nghiệp, đồng thời giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường. Đó chính là những đặc tính ưu việt của một số dự án đã và đang triển khai ở KCN Quán Ngang.
Vào cuối tháng 9/2014 Nhà máy bia Hà Nội-Quảng Trị, trực thuộc Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã cho ra đời mẻ bia đầu tiên. Và giữa tháng 12 năm đó, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 79.000 m2, có công suất 25 triệu lít/năm, với tổng mức đầu tư gần 285 tỷ đồng, với cơ cấu sản phẩm 90% bia lon và 10% bia hơi, theo sát với nhu cầu tiêu thụ bia tại địa phương và các tỉnh lân cận. Anh Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP bia Hà Nội-Quảng Trị cho biết đến hết năm 2016, sản lượng của nhà máy sẽ đạt 18 triệu lít bia, đạt 100% KH, doanh thu khoảng 193 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương hơn 130 tỷ đồng.
Trong năm 2016 đã có 11 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và nhiều nhà đầu tư trong nước đến Quảng Trị nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưTập đoàn Becamex Bình Dương, Tập đoàn Amata (Thái Lan), Tập đoàn Gazprom (CHLB Nga), tập đoàn Sembcorp (Singopore), Tập đoàn điện khí Thượng Hải (Trung Quốc), Công ty Aircraft (CHLB Đức), Công ty Cổ phần Thiên Phú Power Việt Nam,...Một số dự án tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển như dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 55.093 tỷ đồng, đã được Bộ Công thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S); dự án Cảng biển Mỹ Thủy, tổng mức đầu tư dự kiến 14.049 tỷ đồng,đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và một số dự án khác đang nghiên cứu triển khai thực hiện như các dự án sản xuất điện mặt trời; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiêp, dự án thép tiền chế,...
Tuy nhiên để các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển và đặc biệt trong điều kiện hiện nay Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang có nhiều nhà đầu tư tiềm lực nghiên cứu tìm hiểu, do vậy hơn lúc nào hết hoạt động xúc tiến đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng, cần phải đẩy mạnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo mới hy vọng mang lại nhiều cơ hội hợp tác đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh.