Để bổ sung, phát triển nguồn năng lượng điện cho quốc gia, cải thiện môi trường, góp phần giảm lũ và cấp nước cho vùng hạ lưu, trong thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và đã cấp phép cho 1 số dự án đầu tư. Sau nhiều năm thi công, đến nay 1 số Nhà máy đã đưa vào khai thác, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong quá trình hoạt động, tỉnh đã thạo nhiều điều kiện thuận lợi và thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các đơn vị chú ý đến việc quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn đập và phòng chống lũ cho vùng hạ du. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Trường Sơn cho hay: Được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Trị, tháng 8 năm 2010, đơn vị đã đầu tư 178 tỷ đồng xây dựng Nhà máy thủy điện Đakrông 3 công suất 8 MW. Công trình nằm trên địa bàn xã Tà Long, có tổng diện tích mặt hồ gần 45 ha chạy theo lòng sông kéo dài gần 5 km. Khi đang trong quá trình thi công hoàn thiện, kết hợp tích nước để thử tải tổ máy đúng vào lúc gặp mưa lớn làm cho đập chắn bị vỡ. Sau đó đơn vị đã tìm cách khắc phục và từ cuối năm 2012 đưa vào hoạt động cho đến nay, cùng với việc vận hành hồ chứa, nâng cao hiệu sản xuất kinh doanh, mỗi năm cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 32 triệu KWh, đơn vị đã chú trọng việc kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các hạng mục, bảo đảm an toàn hồ đập. Mặt khác, có các phương án phòng chống bão lụt, hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra, nhất là vảo vệ đập và công trình.
Nhằm phát huy tiềm năng của hệ thông sông suối trên địa bàn và trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát các dự án thủy điện nhỏ và cho đến nay đã có 8 dự án được cấp chủ trương đầu tư, trong đó ngoài Nhà máy thủy điện Đakrông 3 có 4 dự án đi vào hoạt động đó là Nhà máy thủy điện Đakrông 2 có công suất 18 MW do Công ty Cổ phần Thủy điện Đakrông làm chủ đầu tư với số vốn 603 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện hạ Rào Quán có công suất 6,4 MW do Công ty Cổ phần Sông Cầu đầu tư vói số vốn 181 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện La La có công suất 3 MW do Công ty Cổ phần năng lượng Mai Linh đầu tư với số vốn 90 tỷ; Nhà máy thủy điện Khe Giông có công suất 4,5 MW do Công ty Cổ phần đầu tư Thanh Hoa đầu tư hơn 17,8 tỷ. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, cùng với thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và các đội xung kích, hàng năm, các đơn vị đã triển khai công tác an toàn đập, quản lý, vận hành hồ chứa đúng quy định, thường xuyên đo đạc, thu thập các yếu tố khí tượng thủy văn để điều tiết xả lũ hồ chứa, kiểm tra trạng thái làm việc của công trình, thiết bị, phát hiện và khắc phục kịp thời các hiện tượng bất thường. Ngoài sự chủ động của các đơn vị, để đảm bảo an toàn đập và phòng chống lũ lụt vùng hạ du, những năm qua cũng như năm 2017, UBND tỉnh và các ngành chức năng ở tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các Nhà máy, nhất là về công tác quản lý, vận hành hồ chứa cũng như chủ động xây dựng các phương án phòng chống lụt bão. Qua kiểm tra cho thấy, so với yêu cầu đề ra thì vẫn còn 1 số tồn tại cần khắc phục, đó là 1 số đơn vị mới tự lập phương án phòng chống lụt bão, chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan thời gian qua còn thiếu chặt chẽ, việc cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập cũng như lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ hạ du và hệ thống quan trắc mực nước trên sông, dòng chảy phía thượng lưu, giám sát hồ và công cụ, thiết bị thông tin, truyền tin cảnh báo ở 1 số Nhà máy chưa hoàn thành. Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn đập, khẩn trương hoàn thiện phương án phòng chống lụt bão, nhất là phương án chống lũ ở vùng hạ du, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân sống ở khu vực xung quanh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó xác định rõ phương châm 4 tại chổ, phòng là chính, sớm phát hiện, ngăn chặn các tình huống xấu có thể xảy râ và khi xảy ra sự cố phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các đơn vị liên quan. Đồng thời tăng cường mối quan hệ với chính quyền, công an địa phương, sự phối hợp bảo vệ của nhân dân trong khu vực.
Thực tế cho thấy, các Nhà máy thủy điện nhỏ ở tỉnh Quảng Trị khi đưa vào hoạt động đã tạo ra nhiều lợi ích tổng hợp, không chỉ bổ sung nguồn điện vào lưới điện quốc gia mà còn góp phần quan trọng vào việc cắt giảm, làm chậm lũ cho hạ du. Tuy nhiên, các hồ đập thủy điện cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, do vậy cùng với sự chủ động của các đơn vị, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên, kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành cũng như nhắc nhở các chủ đập chú trọng việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình, đảm bảo an toàn trong mùa bão năm 2017.