Về cơ bản, Nghị định này kế thừa Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg nhưng đảm bảo chặt chẽ, chi tiết hơn; tăng cường vị trí, vai trò quản lý nhà nước về CCN của các cơ quan địa phương. Nghị định có những điểm mới quan trọng như sau:
Thứ nhất, về quy mô, ngành nghề thu hút đầu tư. CCN có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha (ở các huyện miền núi và CCN làng nghề thì không dưới 5 ha), thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, riêng đối với CCN làng nghề mới được thu hút đối tượng là
cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, quy định thống nhất về đơn vị quản lý CCN, gồm: (1) Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật CCN; (2) Trung tâm phát triển CCN cấp huyện đã được thành lập theo Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg; (3) Ban Quản lý CCN cấp huyện là đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện và (4) Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương.
Thứ ba, về chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN (dự án thứ cấp) được miễn tiền thuê đất 7 năm
(CCN làng nghề là 11 năm). Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN được miễn tiền thuê đất 11 năm
(CCN làng nghề là 15 năm) và được xem xét vay vốn tín dụng với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Ngoài ra, các dự án thứ cấp được bổ sung vào Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư và các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được bổ sung vào Danh mục nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định và được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đối với chính sách hỗ trợ, Ngân sách trung ương hỗ trợ xúc tiến đầu tư; hội nghị, hội thảo tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, nghiên cứu chính sách về CCN; Ngân sách địa phương hỗ trợ tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; điều tra, khảo sát, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, khu dân cư vào trong CCN. Ngân sách trung ương và địa phương xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN, trong đó ưu tiên CCN làng nghề...
Thứ tư, quy định về quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; quyền, nghĩa vụ và các thủ tục pháp lý đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN…
Từ thực trạng về quản lý, phát triển CCN trên địa bàn và các yêu cầu mới đặt ra tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, với chức năng tham mưu về quản lý CCN xin đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, hiệu quả phát triển CCN trên địa bàn như sau:
Một là, Tổ chức triển khai thực hiện tốt, nghiêm túc Nghị định về quản lý, phát triển CCN. Sớm tham mưu văn bản thay thế quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ, hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng KCHT và hoạt động của các CCN trên địa bàn để tham mưu tập trung quản lý hoạt động CCN hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng và hoạt động của các CCN, quan tâm xử lý các CCN không hiệu quả, sử dụng lãng phí đất đai theo đúng Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết không thu hồi thêm diện tích đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ngoài các khu vực đã quy hoạch quỹ đất sản xuất tập trung (khu, cụm, điểm công nghiệp).
Hai là, Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào các CCN, CCN làng nghề nhằm tạo ra nguồn thu ngân sách và góp phần phát triển công nghiệp - TTCN bền vững. Tiếp tục cân đối các nguồn vốn, ưu tiên bố trí vốn hàng năm theo tiến độ dự án và giai đoạn đầu tư của CCN để cùng với nguồn vốn đối ứng của các huyện, thị xã, thành phố, vốn xã hội hóa… đầu tư các hạng mục thiết yếu nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi. Tranh thủ nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN, CCN làng nghề.
Ba là, Các sở, ngành, UBND cấp huyện nghiên cứu hướng dẫn, quy định các thủ tục hành chính về chấp thuận chủ trương – thỏa thuận vị trí nghiên cứu dự án, quyết định chủ trương đầu tư, cấp - cho thuê đất, xây dựng, cấp điện - nước… của các dự án đầu tư vào CCN theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện để thống nhất áp dụng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Thực hiện kiểm tra, rà soát để đề xuất điều chỉnh hoặc thu hồi quyết định chủ trương đầu tư các dự án chậm tiến độ; kiên quyết thu hồi, trả lại mặt bằng của các dự án thứ cấp, dự án đầu tư kinh hoanh hạ tầng CCN để thu hút các dự án đầu tư mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư; rà soát, thẩm định nhu cầu sử dụng đất các dự án thứ cấp theo quy mô, tính chất và bám sát quy hoạch,
Bốn là, Từ nay đến 2020, đề xuất lập quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn đến năm 2030, triển vọng đến năm 2040. Trước mắt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các CCN phù hợp với tình hình mới, đồng thời công nhận một số CCN làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào đầu tư sản xuất tập trung.
Năm là, Phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố một số doanh nghiệp nộp thuế cho Chi cục thuế hoặc cân đối trích một phần trong tổng nguồn thu từ các doanh nghiệp trong CCN để duy tu, quản lý và tái đầu tư kết cấu hạ tầng CCN trên địa bàn huyện. Sớm có hướng dẫn, phê duyệt Phương án lộ trình thu tiền sử dụng hạ tầng CCN.
Sáu là, Các Bộ, ngành trung ương quan tâm bố trí, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các CCN, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nguồn thu thấp. Hướng dẫn kế hoạch đăng ký nguồn vốn trung ương hàng năm theo hướng giao cho Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các các đơn vị liên quan thẩm định, tham mưu bố trí vốn hàng năm đảm bảo phù hợp các yếu tố thu hút đầu tư, hiệu quả đầu tư của các CCN./.