Để tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh về EWEC, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và cơ quan liên quan tổ chức nhiều sự kiện quan trọng tại địa phương. Chẳng hạn như tổ chức Diễn đàn hợp tác EWEC; Hội nghị Thứ trưởng ngoại giao 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan về EWEC; Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG); Lễ khai trương Cửa khẩu quốc tế La Lay; khai trương mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh… Quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt với các tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) tiếp tục được củng cố và phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực: y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải, quốc phòng, an ninh.
Tỉnh Quảng Trị có 5 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại Lào với tổng số vốn đăng ký là 167 triệu USD, trong đó có một số dự án lớn như dự án cung cấp các dịch vụ khảo sát thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dịch vụ thi công xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng; dự án đầu tư trồng cây cao su.
Ba tỉnh Quảng Trị - Savannakhet - Mukdahan luân phiên hàng năm tổ chức hội nghị, diễn đàn về hợp tác kinh tế; tỉnh Quảng Trị hợp tác với các trường đại học vùng Đông Bắc Thái Lan đưa học sinh, sinh viên sang đào tạo tiếng Thái và đào tạo đại học, sau đại học một số chuyên ngành. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức, học sinh các tỉnh Savannakhet và Salavan.
Vấn đề đặt ra hiện nay là khối lượng hàng hóa và kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay những năm gần đây giảm so với trước. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đang chuyển sang giai đoạn mới với cấp độ cao hơn và sâu hơn; phải thực hiện các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có việc thực thi cam kết xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN đem lại những cơ hội mới nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức mới.
Mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XVI ngày 25/7/2017 về tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là khai thác, phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị trong tiến trình hội nhập kinh tế; phát huy hiệu quả EWEC; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài; tranh thủ thêm công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững…
Trong đó có nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của EWEC; xác định lại ưu thế khác biệt, lợi thế so sánh nổi trội của tỉnh để từ đó điều chỉnh lại định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với xu thế hội nhập.
Đổi mới phương thức liên kết, phối hợp với các tỉnh trong khu vực, hợp tác cùng có lợi nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng và thế mạnh của vùng và mỗi tỉnh trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Mặt khác, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các hàng rào kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện hàng hóa qua các cửa khẩu; gia tăng dòng chảy hàng hóa trên EWEC, từng bước đưa Quảng Trị trở thành điểm kết nối các hình thức vận tải đa phương thức, nơi trung chuyển hàng hóa giữa Thái Lan, các nước ASEAN khác với các nước Đông Bắc Á; hình thành và gắn kết các tỉnh của Thái Lan, Lào, Campuchia trên EWEC thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay (PARAEWEC).
Thường xuyên rà soát, chấn chỉnh các hoạt động của các lực lượng chức năng trên tuyến đường 9, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay.
Thực hiện có hiệu quả thỏa thuận cấp cao ký kết giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào), đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào đi vào chiều sâu, thực chất hơn.
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tỉnh tham gia cùng các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ Việt Nam và Lào thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách vượt trội tại Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavanh; có cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới phát triển, hợp tác để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu xuyên biên giới phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tạo điều kiện, tiền đề và cơ sở cho thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả khai thác EWEC cũng như tại các khu kinh tế biên giới Việt- Lào...
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn