Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Phổ biến quy định nhập khẩu nông sản thực phẩm vào thị trường châu Âu

Thứ tư - 15/05/2024 02:44
Ngày 7 tháng 5 năm 2024, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức hội nghị “Phổ biến các quy định nhập khẩu nông sản thực phẩm nguồn gốc động thực vật vào thị trường EU”.
Xuất khẩu gạo hữu cơ sang thị trường Châu Âu - Nguồn Internet
Xuất khẩu gạo hữu cơ sang thị trường Châu Âu - Nguồn Internet
Phía điểm cầu tỉnh Quảng Trị có các cơ quan, đơn vị tham gia Hội nghị gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ, UBND các huyện, thị xã, thành  phố và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan.
      Thời gian gần đây, EU đã đưa ra một số yêu cầu riêng biệt đối với sản phẩm tổng hợp (composite) nhập khẩu. Với quy định mới này thì quy định tỉ lệ phần trăm động vật trong sản phẩm chế biến sẽ không còn hiệu lực. Quy định mới ngặt nghèo hơn để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải nắm chắc để tránh rủi ro.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đạt khoảng 5,3 tỷ USD. Đây là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Do vậy việc tìm hiểu những quy định về nhập khẩu của EU là hết sức quan trọng và hữu ích đối với cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người trực tiếp sản xuất. Tạo cơ hội cho người nông dân nắm rõ thông tin, tiến tới công khai, minh bạch các vấn đề về thị trường xuất khẩu nông sản.
      Tại hội nghị, đại diện DG SANTE (cơ quan thực thi các chính sách của EU về an toàn sức khỏe và thực phẩm) đã giới thiệu chi tiết, giải đáp thắc mắc về những quy định liên quan về vệ sinh, an toàn thực phẩm với sản phẩm tổng hợp, sản phẩm không có nguồn gốc động vật; các quy tắc về xuất xứ cũng như kế hoạch giám sát dư lượng trên sản phẩm tổng hợp, sản phẩm không có nguồn gốc động vật. Kèm theo là các biện pháp kiểm dịch dựa trên thông lệ quốc tế mà WTO ban hành.Về biện pháp kiểm soát, mọi nhà cung cấp, nhập khẩu thực phẩm vào thị trường EU đều có trách nhiệm đảm bảo việc tuân thủ những biện pháp giảm thiểu, ngăn ngừa rủi ro với tần suất thích hợp.
      Hiện EU chia sản phẩm nhập khẩu thành 2 loại: ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao (chủ yếu có nguồn gốc động vật) sẽ cần nhiều biện pháp kiểm dịch, giám sát thú y. Tương ứng với mỗi loại rủi ro, EU sẽ đưa ra một cách giám sát khác nhau, như yêu cầu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu...
      Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật thông tin, quy định liên quan đến an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm vào EU; đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như mạng lưới kiểm dịch động thực vật của Việt Nam.
 

Tác giả bài viết: Lê Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây