Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Cần đổi mới hoạt động khuyến công địa phương

Thứ hai - 11/01/2016 04:11
Để thúc đẩy sản xuất CN-TTCN ở các địa phương phát triển thì hoạt động khuyến công (KC) đóng vai trò quan trọng. Mặt khác, khi mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp thì cần giải quyết sự mất cân bằng lao động do một bộ phận dân cư ở nông thôn thiếu việc làm trong khi đó nông thôn chiếm hơn 70% dân số và đất đai. Do đó, hoạt động KC phải khơi dậy tiềm năng ở khu vực nông thôn đảm bảo sự cân bằng thị trường lao động và đáp ứng các mục tiêu phát triển KT-XH của các địa phương.
Sản phẩm Thêu ren ở Cam Lộ. Ảnh: TL
Sản phẩm Thêu ren ở Cam Lộ. Ảnh: TL
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực triển khai các hoạt động KC như đào tạo lao động; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; phát triển sản phẩm mới, sản phẩm truyền thống; xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; quy hoạch cụm CN tập trung tạo mặt bằng cho sản xuất công nghiệp…Chỉ tính riêng trong năm 2013, từ nguồn kinh phí KC quốc gia và địa phương đã hỗ trợ 22 đề án cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn với kinh phí 1.381,5 triệu đồng. Hỗ trợ 2 đề án đào tạo nghề cho 205 lao động (nghề hấp sấy cá, mực và sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu từ gỗ rừng trồng). Tư vấn và hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tả giấy bằng công nghệ phun keo tự động ở Công ty CP Núi Rồng (Hướng Hóa). Hỗ trợ cho 11 cơ sở CNNT đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường về sản xuất ống nhựa các loại, lưới B40, kẽm gai, than củi ép từ trấu phế liệu, bánh đa bằng hệ thống lò sấy sử dụng điện, giấy vệ sinh cao cấp; nước uống đóng chai tự động và hỗ trợ đầu tư hệ thống lò sấy hơi nước vào sản xuất gỗ ván ghép thanh, đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu. Hỗ trợ 4 cơ sở đầu tư hệ thống thiết bị sản xuất bún, bánh thay sản xuất thủ công nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng, xử lý ô nhiễm môi trường và đăng ký bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu đối với 4 sản phẩm chè (Công ty TNHH Lava), sứa Cửa Việt, nước mắm Cửa Việt, vôi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là thông qua việc hỗ trợ từ nguồn KC đã thu hút thêm trên 30 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất từ các cơ sở CNNT.
 
Hoạt động KC đã có những đóng góp đáng kể vào thúc đẩy phát triển CNNT, giúp nhiều cơ sở, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong điều kiện ở tỉnh ta có số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ít ỏi, cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản lý, kiến thức kinh doanh hạn chế luôn đặt ra những thách thức đối với hoạt động KC. Hiện nay trong công tác KC ở địa phương được phân thành 3 cấp (trung ương, tỉnh, huyện). Ở mỗi cấp có các tiêu chuẩn khác nhau về hỗ trợ đề án. Đặc biệt ở các đề án KC trung ương có yêu cầu cao như một đề án đào tạo nghề phải trên 200 lao động, suất hỗ trợ ứng dụng thiết bị phải có suất đầu tư trên 1 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp và nguồn vốn đối ứng của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phải lớn…Trong khi đó các doanh nghiệp, cơ sở CNNT ở tỉnh ta không có kế hoạch đầu tư rõ ràng nên việc thu hút vốn từ nguồn này gặp nhiều khó khăn, thậm chí có đề án đã được phê duyệt nhưng phải điều chỉnh, không nhận được nguồn đầu tư. Những đề án đăng ký có quy mô nhỏ không được nguồn vốn của tỉnh bố trí thường được các huyện, thị, thành phố dành một phần kinh phí KC hàng năm để hỗ trợ, khuyến khích động viên. Tuy nhiên không phải địa phương nào của tỉnh cũng có nguồn kinh phí này nên việc hỗ trợ chưa được kịp thời và phổ biến. Mặt khác đội ngũ cán bộ KC cấp huyện không ổn định, thường xuyên biến động nên hiệu quả công tác chưa cao. Thực tế này đã ảnh hưởng đến công tác KC bởi cán bộ KC cấp huyện luôn sâu sát với các cơ sở CNNT, hiểu được nhu cầu và khả năng của từng đơn vị nên thuận lợi cho việc thẩm định dự án, theo dõi kết quả hoạt động của các dự án hỗ trợ. Mặt khác trong những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải giải thể dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải điều chỉnh giảm, giản tiến độ hay ngừng đầu tư nên hoạt động KC cũng gặp khó khăn nhất định.
Cần phải khẳng định rằng những hoạt động KC hiện nay là cần thiết để hỗ trợ các cơ sở CNNT chuyển đổi phương thức, cơ giới hóa các công đoạn sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm…nhưng thiết nghĩ cần phải có những thay đổi về hình thức, phương pháp có chiều sâu và thiết thực hơn. Cụ thể như việc đổi mới thiết bị gắn với việc hỗ trợ áp dụng các kỹ thuật sản xuất sạch hơn; tăng cường công tác hỗ trợ đào tạo các kỹ năng quản trị, điều hành cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT nhằm giúp các chủ cơ sở thay đổi tư tưởng kinh doanh truyền thống, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu về pháp luật và nâng cao uy tín trên thị trường; phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ thuật sản xuất thông qua các tờ rơi, áp phích đến tận cơ sở; xây dựng và thực hiện những đề án điểm, đề án nhiều năm để phát huy tối đa hiệu quả đề án KC…Cần tăng cường hoạt động của các khuyến công viên trong việc hỗ trợ, tư vấn cho các cơ sở CNNT từ việc trang bị kiến thức pháp luật đến máy móc thiết bị sản xuất hay cải tiến sản phẩm. Bởi đây chính là những nội dung thực sự cần thiết đối với hoạt động SX-KD của doanh nghiệp. Tỉnh cần kịp thời bổ sung một số quy định, mạnh dạn áp dụng một số nội dung và hình thức hỗ trợ khuyến công mới phù hợp với điều kiện doanh nghiệp địa phương.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây