Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Hiệu quả từ các làng nghề truyền thống ở Hải Lăng

Thứ hai - 17/07/2017 05:15
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định tặng Bằng công nhận Làng nghề truyền thống kèm theo tiền thưởng 20 triệu đồng cho 05 làng nghề truyền thống ở huyện Hải Lăng. Đó chính là niềm tự hào của người dân đã gắn bó với các làng nghề trên địa bàn huyện. Việc khôi phục, củng cố và phát triển nghề làng nghề truyền thống nhằm mục đích phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
 
Sau khi ban hành Đề án khôi phục phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống huyện Hải Lăng giai đoạn 2011- 2015, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện bằng việc đưa nội dung Đề án vào lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện; chỉ đạo các xã có nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đưa nội dung triển khai Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã.
Ở làng Kim Long, xã Hải Quế, người dân đã gắn bó với nghề nấu rượu truyền thống từ hơn 200 năm nay. Được hình thành từ thời Pháp thuộc, rượu Kim Long nức tiếng là thứ rượu nồng, ngon được nhiều người yêu thích, là đặc sản Quảng Trị được nhiều nơi biết đến và sử dụng. Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Gái, người có kinh nghiệm nấu rượu mấy chục năm nay, gia đình bà Gái đã chủ động tìm tòi tự làm ra men để ủ rượu, có quy trình sản xuất rượu theo truyền thống và mở rộng thêm loại rượu đỏ, rượu nếp để cung cấp cho thị trường. Hiện tại, toàn bộ làng nghề Kim Long có hơn 200 hộ gia đình tham gia với 350 lao động chủ yếu là bán thời gian, tổng sản phẩm hàng năm khoảng 420.000  lít, giá trị sản xuất hơn 9 tỷ đồng năm 2016.  Bà Nguyễn Thị Gái- Làng Kim Long, xã Hải Quế cho biết: “Nghề nấu rượu đã có từ lâu ở quê hương Kim Long, song từ khi được công nhận làng nghề và có thương hiệu thì vấn đề đầu ra cho rượu được đảm bảo hơn, người tiêu dùng tin tưởng hơn và yên tâm sử dụng”.
Làng Phương Lang thuộc xã Hải Ba cũng nổi tiếng với món bánh ướt. Thứ bánh mang tên ngắn gọn, dung dị đã và đang làm cho làng chuyển mình từng ngày. Anh Lê Hữu Nam đã có tuổi nghề làm bánh gần chục năm, 5 năm trước, cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công anh đã đầu tư một hệ thống máy móc làm bánh ướt hơn 60 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế là hiện hữu trước mắt, với giá mỗi kg bánh ướt là 7.000 đồng, như hiện nay thì số tiền lời của anh Nam mỗi tháng trên dưới 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện nay, toàn thôn Phương Lang có 8 cơ sở làm bánh ướt đầu tư thiết bị công nghệ bán tự động để làm nghề truyền thống. Chia sẻ thêm về hiệu quả từ việc sản xuất sản phẩm bánh ướt của quê hương mình, ông Mai Thanh Hóa - Trưởng ban chỉ đạo làng nghề bánh ướt Phương Lang, xã Hải Ba khẳng đinh: “Bánh ướt Phương Lang sản xuất luôn đảm bảo chất lượng, sử dụng trong ngày nên lượng tiêu thụ chỉ trên địa bàn huyện, một số địa phương trong tỉnh. Hiện nay chúng tôi mong muốn cấp trên được quan tâm quy hoạch xây dựng Cụm làng nghề để phát triển đảm bảo vấn đề môi trường tại địa phương”.
Làng nghề chổi đót Văn Phong, xã Hải Chánh có 84 hộ thì có 43 hộ làm chổi đót, 85 lao động tham gia với mức thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng/lao động/năm. Ngoài nghề chính là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Nghề làm chổi đót ở Văn Phong được hình thành, du nhập từ năm 1993, đến nay được duy trì và phát triển có hiệu quả. Tuy nhiên thời gian qua, các hộ sản xuất nghề đót gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn nguyên liệu, đầu ra sản phẩm nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế. UBND huyện Hải Lăng đã có đề án khôi phục phát triển làng nghề chổi đót truyền thống nhằm chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho làng nghề chổi đót phát triển bền vững, giảm chi phí mua nguyên liệu đót cho các hộ dân. Ông Hồ Đình Thái - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng trao đổi thêm với chúng tôi: “Từ làng nghề chổi đót đã tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là tranh thủ thời gian nhàn rỗi sau mùa vụ. Làng nghề cũng đã được công nhận làng nghề truyền thống điều đó rất có ý nghĩa đối với địa phương, chúng tôi cũng sẽ tìm nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho bà con mở rộng quy mô, thu mua nguyên liệu để thuận lợi hơn trong việc sản xuất”.
Thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, có trên 480 hộ dân nhưng có gần 200 hộ gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống của tổ tiên. Trải qua thời gian, nghề làm nước mắm Mỹ Thủy có lúc thăng trầm nhưng chưa bao giờ thất truyền. Hiện tại, làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy vẫn duy trì gần 200 hộ (bình quân 4-6 lao động/hộ) làm nghề với hơn 65 hộ sản xuất thường xuyên với số lượng lớn. Từ chỗ nước mắm chỉ cung cấp chủ yếu cho khách hàng trong tỉnh, đến nay nước mắm Mỹ Thủy đã dần vươn xa khắp nơi trong nước, theo khách du lịch, người thăm thân ra nước ngoài. Doanh thu từ nghề làm nước mắm Mỹ Thủy tăng lên theo từng năm đã góp phần nâng cao đời sống của người dân (hiện mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/ lao động/năm). Chiếm trên 50% tổng thu nhập của toàn xã Hải An. Nghề làm nước mắm không chỉ mang lại thu nhập khá cao mà còn tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển.
Có thể nói bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển nghề truyền thống ở huyện Hải Lăng vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn. Việc phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất đa số là nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, kỹ thuật công nghệ phần lớn còn lạc hậu, đa số sử dụng công cụ thiết bị thủ công truyền thống, chưa có nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định; thị trường tiêu thụ chủ yếu là trên địa bàn trong tỉnh và một ít các tỉnh lân cận, phần lớn các hộ gia đình thực hiện hình thức ký gửi, rao bán riêng lẻ, chưa có nhiều sản phẩm tiêu thụ theo đơn đặt hàng lớn điều đó đã làm cho hiệu quả từ hoạt động các làng nghề mang lại chưa cao.
Ông Nguyễn Văn Tránh- Trưởng Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Hải Lăng cho biết:Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, về phía huyện Hải Lăng sẽ ưu tiên bố trí các khoản vay để phát triển các làng nghề từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các HTX, Tổ hợp tác, chủ cơ sở, hộ gia đình tại các làng nghề được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi hoặc nguồn vốn tín dụng có bù lãi suất của Nhà nước, góp phần hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống phát triển, mở rộng, ổn định sản xuất kinh doanh”.
Song song với đó thì cần phải xây dựng và ban hành một số chính sách khuyến khích về khôi phục và phát triển làng nghề, đặc biệt là chính sách đối với các làng nghề sau khi được UBND tỉnh công nhận. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục cố gắng huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển làng nghề, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, quản lý sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các ngành nghề truyền thống tại địa phương./. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Minh Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây