Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị
Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị

Một số định hướng phát triển ngành công thương Quảng Trị đến năm 2020

Thứ ba - 14/06/2016 21:36
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã ra sức phân đấu và giành được thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành cơ bản các mục tiêu do Đại hội đề ra, trong đó lĩnh vực công nghiệp – thương mại có bước phát triển khá, góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
 
ván ghép thanh
ván ghép thanh
Công nghiệp tăng trưởng khá góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,4%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước; trong đó tăng trưởng giá trị công nghiệp - xây dựng đạt 8,9%/năm và chiếm tỉ trọng 37,9% trong cơ cấu GRDP. Quy mô công nghiệp tăng khá, năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.674,1 tỷ đồng (gấp 1,7 lần năm 2010), cả giai đoạn 2011-2015 ước đạt 27.705,1 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này là 11,27%/năm. Đã hình thành một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như: Ván gỗ MDF, tinh bột sắn, bia, quần áo may sẵn, phân hóa học; công nghiệp năng lượng …, công nghiệp nông thôn được quan tâm khuyến khích đầu tư phát triển.
 Thương mại dịch vụ đạt nhiều tiến bộ, đặc biệt xuất khẩu có bước đột phá. Hoạt động thương mại và dịch vụ giai đoạn này vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2011 -2015 (theo giá thực tế) đạt 85.032 tỷ đồng (kế hoạch 84.980 tỷ đồng), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 17,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2015 đạt 766 triệu USD, vượt 97,89% so với mục tiêu kế hoạch đề ra (KH 387 triệu USD), tốc độ tăng bình quân hàng năm 29,7%/năm (Chỉ tiêu ĐH đề ra là 18,6%/năm). Hệ  thống chợ nông thôn và trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn được đầu tư xây dựng, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã hình thành, hệ thống kho ngoại quan, trung tâm bán buôn đang được hoàn thiện, hệ thống hạ tầng đã góp phần tích cực thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu phát triển.
Những thách thức đặt ra đối với hoạt động của Ngành. Những năm tới, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu khó lường; tốc độ phục hồi kinh tế diễn ra chậm, tác động ảnh hưởng đến kinh tế nước ta và kinh tế của tỉnh. Trong bối cảnh hiện nay khi xu thế cạnh tranh có sự thay đổi về tính chất và quy mô sâu rộng đã trở thành thách thức lớn đối với phát triển kinh tế. Quá trình hội nhập sâu phải chịu sự cạnh tranh về giá cả, cơ cấu sản phẩm, thị trường tiêu thụ…Hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ, một số chính sách cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, một số chính sách mới có hiệu lực thi hành. Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề hoạt động với quy mô nhỏ, năng lực quản trị, sản xuất thấp, sử dụng công nghệ thủ công, lạc hậu làm ô nhiễm môi trường và khả năng cạnh tranh kém.  
Định hướng, mục tiêu phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2016-2020: 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra một số chỉ tiêu cơ bản phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2016 – 2020, trong đó: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,5 - 8%. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị công nghiệp - xây dựng bình quân 5 năm đạt 10,5 - 11%/năm. Tốc độ tăng giá trị thương mại - dịch vụ bình quân đạt 8,5 - 9%/năm; Phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt 450 – 500 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu trên 230 triệu USD.
Phát triển ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế; lấy công nghiệp năng lượng, công nghiệp dệt may, công nghiệp chế biến (gỗ, nông lâm, thủy sản) làm trọng tâm, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành chủ lực tạo ra giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; hình thành cụm liên kết ngành trên cơ sở lấy doanh nghiệp lớn là hạt nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là các vệ tinh cung ứng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; đồng thời rà soát, điều chỉnh bổ sung để phù hợp với xu hướng phát triển và tiềm năng thế mạnh của địa phương. Thực hiện tốt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn mà tỉnh có lợi thế so sánh như: năng lượng, dệt may, công nghiệp siliccat, trước hết là các dự án: Nhà máy nhiệt điện than 1.200MW, dự án cấp nước sông Nhùng, các dự án điện gió, nhà máy xử lý khí, các dự án công nghiệp phụ trợ… Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đang triển khai tại các Khu, Cụm Công nghiệp. Thu hút nguồn vốn FDI và các nguồn vốn khác từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Đông Nam và tiếp tục xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các Khu, Cụm Công nghiệp, Khu kinh tế, khôi phục và phát triển các làng nghề, du nhập nghề mới; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trong các Khu, Cụm công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động khuyến công; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng. Ưu tiên tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản dựa trên lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương, có thị trường tiêu thụ. Thực hiện tốt chính sách của nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất của ngành cơ khí, sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế; đóng và sửa chữa tàu đánh cá, phương tiện vận tải; lắp ráp  thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 Phát triển thương mại theo hướng kết hợp hài hòa giữa phát triển thị trường nội địa và xuất nhập khẩu, chú trọng và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng nội địa hóa, giá trị gia tăng cao. Coi trọng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn; tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng hóa, nhất là nông sản hàng hóa của địa phương; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại địa phương. Tạo môi trường thông thoáng thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu qua các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thương mại có quy mô lớn và khả năng cạnh tranh cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cửa hàng xăng dầu kết hợp điểm dừng nghỉ trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho bãi, các trung tâm logistics, dịch vụ phục vụ hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, kết nối với vận tải đa phương thức trong nội địa. Từng bước xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, ứng dụng thương mại điện tử./.
 

Tác giả bài viết: PhạmVăn Trung Trưởng phòng KT - KT-MT- Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây